Phấn đấu đưa TPHCM trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Năm, 15/06/2023 22:28

|

(CAO) TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hàng năm, TP đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GRDP của quốc gia. Trong sự phát triển kinh tế đó của TP, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và tỷ trọng đóng góp cao.

Ngành công nghiệp TPHCM có vị trí, vai trò quan trọng

TPHCM là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Công nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP (chiếm khoảng 18% GRDP). Thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP nên các chính sách, các giải pháp phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ được điều chỉnh ngày càng thiết thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ đã đem lại những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp TP.

TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

TP đã ban hành danh mục, xây dựng chính sách phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, bước đầu đã hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khu Công nghệ cao TPHCM (được thành lập vào năm 2002) đã phát triển mạnh mẽ sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, “là một khu kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Khu Công nghệ cao TP đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ - chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, đồng thời đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động công nghệ cao, và được đánh giá là Khu Công nghệ cao thành công nhất trong các Khu Công nghệ cao quốc gia.

TPHCM là địa phương tiên phong của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đến nay, TP có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm) có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng các ngành sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp. TP đã xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Chính vì vậy, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ TP; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố trực thuộc Sở Công thương; xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp... Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh

Thực trạng phát triển công nghiệp TPHCM trong thời gian qua đặt ra yêu cầu về định hướng phát triển công nghiệp TP trong thời gian tới, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng yếu. Theo đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng khu công viên khoa học và công nghệ, từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng mô hình khu công nghệ cao. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

TPHCM là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước.

- Tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp theo định hướng phối hợp liên kết phát triển và phát huy vai trò, vị thế vùng TPHCM; Cải tạo nâng cấp phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với cải tạo chỉnh trang và chuyển đổi hình thái đô thị; Phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, phát triển đô thị bền vững và tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng liên kết vùng; đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp và cải tạo nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu gắn với cải tạo chỉnh trang, chuyển đổi đô thị, với đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Giai đoạn 2025 - 2045, đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối phát trển vùng đô thị TPHCM; đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ tích hợp, khai thác và phát huy thế mạnh vị thế vùng đô thị và phát triển kinh tế biển; xây dựng chiến lược phát triển đô thị gắn liền với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển đổi hình thái đô thị.

- Cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Phát triển đô thị TPHCM theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh.

- Tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của TP vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp Thành phố theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh. Đồng thời, phát triển công nghiệp TP gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI). Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hóa và xanh hóa hoạt động sản xuất, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp.

- Phát triển công nghiệp TPHCM dựa trên 4 trụ cột chính, gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao (điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học, sản xuất robot, thiết bị thông minh, hệ thống nano...), công nghệ số, công nghệ mới; sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin. Phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp TP có lợi thế so với các địa phương khác trong cả nước, bao gồm công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất thiết bị điện; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic. Đây là những ngành, sản phẩm TP có tiềm năng và lợi thế so với các địa phương khác trong cả nước./.

Bình luận (0)

Lên đầu trang