Trung tá Nguyễn Chí Thành:

"Khó khăn nhất là có thể hy sinh nhưng tôi vẫn chấp nhận..."

Thứ Năm, 15/06/2023 10:37  | Thanh Hòa

|

(CATP) Đây là chia sẻ của Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an TP.Hồ Chí Minh (CATP), một trong 75 điển hình tiên tiến tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc ngày 11/6 vừa qua. Trung tá Nguyễn Chí Thành cũng là cá nhân vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 6 tập thể thuộc Bộ Công an trong đợt này.

Những pha cứu nạn nghẹt thở

Trong chương trình giao lưu tại hội nghị, các đại biểu có mặt không khỏi cảm phục và xúc động trước tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên của "Anh hùng phòng cháy, chữa cháy" Nguyễn Chí Thành.

Trung tá Nguyễn Chí Thành được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen

Kể chuyện về công việc của mình, Trung tá Thành cho biết, mỗi khi thấy những vụ cháy lớn, bản thân anh rất bồn chồn, sốt ruột vì đã không ít lần cùng đồng nghiệp chứng kiến nhiều trường hợp, tình huống thương tâm. "Trước đây là mình chọn nghề, sau đó gắn bó với công việc CNCH trên 22 năm, thời gian dài như thế không dứt ra được, chỉ có thể là nghề chọn mình" - anh chia sẻ.

Trong hơn 20 năm qua, anh đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiều vụ CNCH trên địa bàn TPHCM, các tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài khi có yêu cầu hỗ trợ, cứu sống nhiều người, nhiều tài sản, tìm thấy nhiều thi thể người bị nạn và một số tang vật quan trọng trong các vụ án mà cơ quan điều tra đề nghị phối hợp.

Nhớ lại vụ cháy rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang vào ngày 02/4/2002, Thành cùng 30 cán bộ chiến sĩ (CBCS), 20 máy bơm và 3 xe chữa cháy do Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM làm trưởng đoàn lên đường làm nhiệm vụ. Trong trận chiến này, sinh mạng của các anh đã có lúc cận kề với cái chết, muỗi như trấu, nước tắm không có, phải đi cách xa hàng mấy cây số mới có nước, điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn, anh em phải thay nhau túc trực chữa cháy trên diện tích tới 5 - 7km². Suốt gần tháng trời như thế, nếu không dám hy sinh tính mạng, căng mình chống chọi với ngọn lửa hung tàn của nạn cháy rừng thì thiệt hại là không thể thống kê hết được.

Ở nước ta, tại thời điểm đó, công cụ chữa cháy còn chưa hiện đại, đặc biệt là rừng nguyên sinh ngập mặn, các phương tiện cơ giới không thể tiếp cận để hỗ trợ, chỉ dùng sức người là chính, ngoài tác động của sự cố cháy, còn có đủ loại động, thực vật có trong rừng nguyên sinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng CBCS bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, bản thân Thành cùng đồng đội đã vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả đã bảo vệ được 700 ha rừng nguyên sinh và ngăn chặn không để lửa cháy lan sang 10.000 ha rừng trồng.

Hay vụ sập giàn giáo công trình CR4 ở Quận 7 vào năm 2008 là một pha cứu nạn nghẹt thở mà anh trực tiếp tham gia. Phía trên là một nạn nhân nữ đã chết, xác còn kẹt trên giàn giáo mà người nhà yêu cầu phải đưa xuống ngay; phía dưới là một người đang bị kẹt trong đống bê tông bổ nát, vẫn còn sống nhưng tính mạng cũng "ngàn cân treo sợi tóc". Quyết định thực hiện nhiệm vụ tối đa 20 phút, trong không gian chật hẹp, anh đã dùng tay để khuân từng viên đá, cát, sỏi đang bao trùm nạn nhân, lấy thân mình đỡ hướng trên giàn giáo đang chèn xuống. Sau khoảng 17 phút, thử ôm nạn nhân đẩy lên thì thấy di chuyển được, anh thở phào nhẹ nhõm mà quên mất bản thân mình đang phải hứng chịu một lượng bê tông lớn và giàn giáo có thể sập đè bất cứ lúc nào.

Hiểm nguy rình rập

Trung tá Thành kể, vụ CNCH chưa có tiền lệ, khó nhất ở Việt Nam là vụ tại Cao Bằng vào tháng 12/2019 khi nạn nhân đã tử vong dưới hang núi gần 3 năm. Không có lực lượng nào có thể xuống được vì hang sâu hơn 220m, rất nhỏ hẹp, có chỗ chỉ tầm 50-60cm, đòi hỏi phải có một người đủ bản lĩnh và cả... liều lĩnh.Mặc dù biết xuống hang này có thể gặp nguy hiểm, thậm chí là hy sinh nếu thiếu dưỡng khí, có vật thể lạ ở dưới hay phương tiện gặp trục trặc, song anh tâm niệm, nếu mình dừng lại thì nạn nhân sẽ mãi mãi nằm ở dưới hang, nỗi đau của người thân họ sẽ còn mãi. Đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định đi xuống để cứu hộ nạn nhân.

"Khó khăn nhất là có thể hy sinh nhưng tôi vẫn chấp nhận" - Trung tá Thành cho biết. "Phải mất 1-2 tiếng đồng hồ tôi mới xuống được hang. Hang rất tối, tôi xuống đó với tâm trạng cô đơn và xen lẫn nỗi sợ hãi. Phát hiện nạn nhân bị vùi lấp dưới lớp đá khoảng gần 1m, tôi phải dùng tay đào bới, nhặt từng mẩu xương để bỏ vào bao. Hơn 1 tiếng thu dọn, tôi mới đi ngược lên. Khi đến miệng hang, đồng nghiệp mừng rỡ, vui sướng vì tôi đã an toàn, người thân của nạn nhân rất biết ơn lực lượng cứu hộ" - anh kể.

Hay lần tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong vụ chìm tàu đánh cá ngoài biển tại khu vực Sở Đáy Đại Khơi thuộc vùng biển Cần Giờ, TPHCM ngày 22/3/2023, các anh phải lặn xuống độ sâu hơn 30m, giữa biển động sóng to, dưới đáy biển dòng nước chảy rất mạnh, nhiệt độ thấp và có xoáy quẩn, bất cứ lúc nào cũng có thể làm con tàu va đập gây nguy hiểm cho lực lượng CNCH; đặc biệt là có thể bịt kín lối ra của cán bộ lặn tìm thi thể nạn nhân.

Tuy nhiên, với tinh thần dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm cho được nạn nhân và bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng kinh nghiệm nhiều năm ở các vụ CNCH lớn cả trong và ngoài nước, sau khoảng 45 phút tìm kiếm, anh Thành đã phát hiện 1 thi thể nạn nhân ở trong cabin và nhanh chóng đưa thi thể nạn nhân lên tàu. Nạn nhân tên là Phạm Chí Thanh (SN 1986, cư ngụ tại Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) sau đó được đưa vào bờ bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp tục xử lý. Đồng thời, để tránh bỏ sót người bị nạn còn kẹt lại trong tàu, các anh lại tiếp tục lặn tìm kiếm đến khi xác định không còn người bị nạn mắc kẹt bên trong tàu cá thì mới rời tàu, quay về bờ.

Lãnh đạo Công an TPHCM đón 5 CBCS CNCH trở về sau khi kết thúc nhiệm vụ quốc tế
Lực lượng Cảnh sát CNCH của Việt Nam phối hợp với các lực lượng ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ CNCH vào đầu tháng 02/2023

Để đạt được những thành tích xuất sắc đó, Trung tá Nguyễn Chí Thành cho rằng nhờ anh luôn thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ gìn đạo đức, lối sống, tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm và đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ý thức xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị và giữ gìn đoàn kết đã tạo cho anh một ý chí, lòng dũng cảm và yêu nghề sâu sắc. Những đóng góp của anh đã góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 tập thể, 1 cá nhân

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định 704/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 tập thể và 1 cá nhân thuộc Bộ Công an vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TPHCM

Theo đó, 6 tập thể gồm: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TPHCM; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lạng Sơn; Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TPHCM; Đội Chữa cháy và CNCH khu vực 4, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội; Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hải Phòng. Cá nhân duy nhất được Chủ tịch nước ký quyết định phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong đợt này là Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TPHCM.

Trung tá Nguyễn Chí Thành (42 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) công tác trong ngành từ tháng 02/2001 và nhiều năm liền được tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Trong hơn 20 năm công tác, Trung tá Thành đã tham gia nhiều vụ CNCH trên địa bàn TPHCM và các tỉnh trên cả nước. Đặc biệt, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ gặp thảm họa động đất, trung tá Thành là một trong số 24 CBCS của Bộ Công an sang hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả sau thảm họa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang