Tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06
Báo cáo hội nghị, Lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, đối với 11/25 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng CA, qua đánh giá, một số đơn vị làm tốt: An Giang, Hà Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 10/5/2023: Số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công cư trú đạt 3.384.759 hồ sơ trực tuyến trên 5.456.818 hồ sơ được tiếp nhận, đạt tỷ lệ 70,54%. Về phát triển kinh tế - xã hội: đến nay, đã có 41 địa phương tổ chức triển khai phần mềm khai báo lưu trú ASM. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã gửi lại thông tin của 11.084 cơ sở lưu trú về CA địa phương để rà soát, phê duyệt và bổ sung mã thông tin, gửi lại Cục thực hiện cấp tài khoản.
Về phát triển công dân số: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã in hoàn chỉnh 80.184.634 thẻ (tăng 111.559 thẻ so với tháng 4/2023). Đến ngày 24/4/2023, tổng số hồ sơ định danh điện tử đã được truyền lên Trung ương là 30,4 triệu hồ sơ. Số lượng tài khoản kích hoạt là 10,7 triệu (tăng 2,3 triệu hồ sơ so với tháng 4/2023). Trong tháng, CA tỉnh Đồng Nai là một trong những đơn vị tích cực triển khai nhiệm vụ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Trong đó, Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ CA tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công được khoảng 9.000 người. Đoàn CA cấp huyện đã phối hợp với Đoàn thanh niên, khối dân vận tổ chức hướng dẫn trên 11.000 người là đội nhóm chủ chốt thực hiện hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử tại 65 trường học và 10 cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Công an 11/11 huyện, thành phố tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp thành lập các tổ "hỗ trợ công dân cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định đanh diện tử" tại 170/170 phường, xã, thị trấn, tổ chức hướng dẫn cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ CA phát biểu tại hội nghị
Nỗ lực nhưng còn nhiều tồn tại
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với CA các địa phương tháng 4/2023, có 19 địa phương đăng ký hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD trước 01/6/2023. Đến nay, đã có 02 địa phương hoàn thành chỉ tiêu là Hà Nam và Hà Tĩnh. Qua tổng hợp theo dõi kết quả rà soát, cấp CCCD từ ngày 02/5/2023 đến 10/5/2023 của 17 địa phương còn lại, với tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu trung bình trên ngày thì có 08 địa phương có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu gồm: Đắk Nông, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế. Đối với 44 địa phương còn lại, theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD trước 31/7/2023, hiện có 13 địa phương có nguy cơ cao không hoàn thành chỉ tiêu, gồm: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Giang, Bình Phước, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn toàn quốc còn 100.056 trường hợp công dân tỉnh khác đang tạm trú tại địa bàn chưa được cấp CCCD gắn chíp.
Báo cáo tham luận hội nghị, CA tỉnh Bình Thuận nghiêm túc nhận khuyết điểm việc khó hoàn thành cấp CCCD theo tiến độ. Lãnh đạo CA tỉnh này thẳng thắn xác định nguyên nhân chủ quan ở chỉ đạo, điều hành còn chưa tốt. Ngoài ra còn có nguyên nhân là người dân không hợp tác với cán bộ CA khi được vận động đi làm CCCD. Lãnh đạo CA tỉnh Bình Thuận khẳng định sẽ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt: CBCS vận động người xung quanh làm CCCD; xuống từng thôn xóm để vận động; thực hiện điều tra cơ bản để làm CCCD và tài khoản định danh. Ngoài những điểm cố định, sẽ tổ chức làm CCCD lưu động. Những trường hợp người dân đi lại khó khăn thì sẽ điều ôtô, xe máy để đưa người dân đến làm CCCD. Bình Thuận cũng cam kết với lãnh đạo Bộ CA sẽ hoàn thành cấp CCCD trước 30/5 và tài khoản định danh điện tử mức 2 trước 30/6. Lần lượt báo cáo tham luận, lãnh đạo CA các tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, An Giang, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn thừa nhận những điểm còn tồn tại trong công tác cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử, đồng thời đưa ra cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ CA, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, biểu dương nỗ lực của Giám đốc, Phó Giám đốc CA tỉnh, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH một số tỉnh đã có nhiều sáng kiến, đột phá để đạt được tiến độ đề ra. "Chúng ta dự định năm nay chỉ đạt 3 triệu tài khoản định danh nhưng giờ đã là 10 triệu, cố gắng năm nay đạt trên 40 triệu", Thứ trưởng phấn khởi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nhắc nhở cần phải đi vào chuyên nghiệp công nghệ, đưa dữ liệu kết nối vào đời sống. Việc các địa phương cam kết sẽ hoàn thành cấp CCCD và tài khoản định danh đúng tiến độ đề ra là rất tốt nhưng cần phải có bước đi, cần có giải pháp để bù lại bước bị chậm.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CA TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng yêu cầu Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phải lập đoàn xuống kiểm tra, địa phương phải giải trình những khó khăn để có hướng xử lý với tinh thần cầu thị, sát việc, tháo gỡ trực tiếp. Thứ trưởng cũng khẳng định, việc hoàn thành tiến độ Đề án 06 sẽ được tính vào thi đua nên "các đồng chí cần quan tâm tổng thể, không nói suông", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CA TP.Hồ Chí Minh lưu ý lực lượng CA TP.Hồ Chí Minh còn một số tồn tại nên trong quá trình thực hiện phải tìm các giải pháp, cách làm hay để hoàn thành nhiệm vụ. Thiếu tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh, TP chỉ còn gần 2 tuần (thời hạn 31/5) đề thực hiện việc cấp CCCD nên phải quyết tâm cao. Trong quá trình làm cũng cần khen thưởng, động viên kịp thời CBCS, thành tích đặc biệt thì có khen thưởng đặc biệt. Ngoài ra, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cũng nêu vấn đề Đề án 06 ở TP đã vận hành tương đối tốt nhưng chưa được như mong muốn. Các sở, ngành đã vào cuộc nhưng còn chậm. "Với vai trò thường trực, cái gì thuộc trách nhiệm của chúng ta thì chúng ta rà soát báo cáo Chủ tịch, Bí thư để đồng hành chứ một mình lực lượng CA không thể làm hết được", Thiếu tướng Lê Hồng Nam nêu rõ.
CATP.Hồ Chí Minh huy động toàn bộ mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, CA TP.Hồ Chí Minh xác định tăng cường công tác tuyên truyền về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân trong việc làm CCCD gắn chíp, hiệu quả của việc sử dụng CCCD gắn chíp khi tham gia các giao dịch hành chính, tham gia giao thông, các chính sách an sinh của nhà nước. Bên cạnh đó, CA TP.Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo trưởng CA cấp huyện tham mưu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 cùng cấp, tổ công tác thực hiện Đề án 06 hỗ trợ, đồng hành cùng lực lượng CA trong việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để vận động người dân đi làm CCCD.
Qua đó, chủ động nắm những trường hợp bệnh tật, già yếu đi lại khó khăn... để hẹn thời gian đến tận nhà cấp CCCD. Trưởng CA cấp huyện chỉ đạo Ban chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì phối hợp với Ban chỉ huy CA xã giao chỉ tiêu hàng ngày cho từng CSKV về danh sách cần làm sạch, danh sách hủy định danh, danh sách giảm trừ không thu nhận được do yếu tố khách quan, danh sách công dân vắng mặt và danh sách phải thu nhận hồ sơ cấp CCCD, đề ra lộ trình hoàn thành trước 01/6. Làm sạch, hủy định danh đến đâu sẽ vận động, mời công dân thực hiện cấp CCCD đến đó. Nếu người dân đến mà dữ liệu chưa sạch thì phải điều chỉnh, bổ sung ngay, không để người dân ra về "tay không".
CA TP.Hồ Chí Minh sẽ duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các đơn vị để kịp thời khen thưởng, biểu dương, khích lệ tinh thần làm việc của CBCS, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với Trưởng CA cấp huyện nếu không quyết liệt thực hiện để ảnh hưởng đến tiến độ chung của TP.
(Còn tiếp...)