Xây dựng chính sách đặc thù nhằm tạo đột phá, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TPHCM

Thứ Năm, 18/05/2023 18:55  | A. Quân

|

(CAO) Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Chiều nay (18/5), tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo thông tin về việc xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, phát triển

Thông tin tại họp báo cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và 05 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; số thu ngân sách của thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước; công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao...

​Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 02 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24-NQ/TW) của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển của TPHCM đến năm 2030 là: “TPHCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 31-NQ/TW) của Bộ Chính trị đã xác định TPHCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước, mục tiêu đến năm 2030 là: “TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á”.

Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 81/2023/QH15), đã xác định: “Xây dựng, phát triển TPHCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đồng thời, Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội đã quy định ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.​

Một góc khu trung tâm TPHCM

 Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TPHCM

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết mới quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có luật điều chỉnh. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho thành phố mà còn tạo điều kiện phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Việc ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức trong giai đoạn phát triển mới.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TPHCM và gắn chính quyền thành phố với quận, huyện, thành phố trực thuộc nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển theo nguyên tắc phân cấp, ủy quyền theo hướng phân cấp 01 cấp, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Việc ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh...

4 nhóm cơ chế chính sách đặc thù

Trên cơ sở tiếp thu góp ý của các Bộ, ngành, chỉ đạo của Chính phủ, kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TPHCM đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Dự thảo Nghị quyết gồm 12 Điều, trong đó 7 Điều (từ Điều 4 - Điều 10) quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện trên 7 lĩnh vực khác nhau, cụ thể là: (i) Quản lý đầu tư; (ii) Tài chính ngân sách; (iii) Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; (iv) Thu hút nhà đầu tư chiến lược; (v) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) Tổ chức bộ máy của Thành phố; (vii) Tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức. Cụ thể được phân thành 4 nhóm:

Nhóm 1: Các CCCS đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các CCCS kế thừa toàn bộ và các CCCS sửa đổi, bổ sung như: HĐND TP quyết định dự toán ngân sách thành phố; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay, …

Nhóm 2: Các CCCS có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; …

Nhóm 3: Các CCCS có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND TP được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho thành phố.

Các CCCS này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai. Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở,… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.

Nhóm 4: Các CCCS mới, chưa được quy định tại NQ 54/2017/QH14, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết tạo điều kiện thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như: (i) mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); (ii) cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; (iii) cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC); (iv) cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; (v) ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; (vi) phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vii) đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.

Lãnh đạo TPHCM cho biết, sau khi Nghị quyết mới được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới đây, thành phố sẽ phối hợp ngay với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ quy định theo hướng Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành quý III năm 2023.

Đối với những cơ chế, chính sách mà Quốc hội cho phép TPHCM áp dụng, UBND TP sẽ báo cáo Ban cán sự đảng UBND TP trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP ban hành Chương trình hành động thực hiện ngay trong tháng 7 năm 2023.

UBND TPHCM cũng cho biết thêm, TP đang xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, dự kiến ban hành vào dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) với 40 nội dung, đầu việc; trong đó sẽ trình HĐND TP thông qua 7 nội dung tại kỳ họp vào tháng 7/2023; 33 nội dung, đầu việc còn lại sẽ tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để trình cấp có thẩm quyền thông qua, triển khai trong quý IV năm 2023.

Tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị quyết

Trong năm 2022, TPHCM đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020 và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, song song với việc chuẩn bị hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 “giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặc biệt là Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành phố đã tích cực, chủ động hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM; khẩn trương phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Đảng đoàn Quốc hội đã hai lần chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM (tháng 12/2022 và tháng 5/2023); Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp (ngày 12/5/2023) kết luận tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trên cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang