Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trình Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của TP; Tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.
Cụ thể, về quản lý đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định HĐNDTP được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương.
HĐNDTP cũng được quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBNDTP được bố trí vốn đầu tư công để ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TPHCM thực hiện cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm.
Tại nhóm cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách, dự thảo Nghị quyết cho phép HĐNDTP quyết định áp dụng, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.
Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.
Trong nhóm cơ chế, chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Chính phủ đề xuất HĐNDTP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Quy định việc phân cấp cho UBNDTP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; quy định cụ thể các điều kiện về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Tại nhóm cơ chế, chính sách về ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể các ngành nghề, các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng; trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; các ưu đãi nhà đầu tư chiến lược được hưởng.
Với cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP, gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia, nhà khoa học... làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo...
Liên quan đến cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TP, dự thảo Nghị quyết quy định về chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm...
Dự thảo cũng quy định UBND huyện thuộc TPHCM và UBND phường, xã, thị trấn có từ 50.000 người trở lên có không quá ba Phó Chủ tịch. Việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được giao hằng năm; Chủ tịch UBNDTP ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBNDTP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBNDTP.
HĐNDTP, theo dự thảo Nghị quyết, được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn; quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Về cơ chế, chính sách tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức, dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBNDTP cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức.
Quy định UBNDTP quyết định thành lập tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP.Thủ Đức.
Việc thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP.Thủ Đức; cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND TP.Thủ Đức cũng được quy định cụ thể tại dự thảo Nghị quyết này.