Trình Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM tại kỳ họp tháng 5/2023

Thứ Ba, 28/03/2023 16:34

|

(CAO) Trên cơ sở hồ sơ đã được thẩm định, Chính phủ đề nghị bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 20-3-2023.

Tại dự thảo mới, Chính phủ đề xuất 7 nhóm chính sách đặc thù cho TPHCM

Theo đó, có 7 nhóm chính sách đặc thù được đề cập đến, gồm: nhóm chính sách về quản lý đầu tư; nhóm chính sách về tài chính, ngân sách; nhóm chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; nhóm chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; nhóm chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhóm chính sách về tổ chức bộ máy của TPHCM và nhóm chính sách về tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức.

Nêu sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết này, Bộ trưởng Long lý giải, TPHCM là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.

Tiếp tục định hướng phát triển TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành một số quyết sách mới cho TP, theo đó, xác định mục tiêu phát triển TPHCM đến năm 2030 trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Do đó, để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện các mục tiêu, nội dung định hướng phát triển TPHCM đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14).

Nghị quyết này, theo Chính phủ, nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) theo quy trình một kỳ họp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang