Lập luận về tính cần thiết xây dựng dự luật này tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có những quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Việc này, theo Bộ Công an, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật.
Lý do sửa đổi, Bộ Công an nêu, là nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Việc sửa đổi cũng để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với nạn mua bán người cũng như công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Dự báo tình hình mua bán người thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, Bộ Công an khẳng định, việc sửa Luật là rất cấp thiết nhằm khắc phục các khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người.
"Tình trạng mất việc làm, nghèo đói diễn ra với xu hướng tăng khiến hoạt động tội phạm mua bán người càng thêm phức tạp. Nạn nhân của tội phạm mua bán người phải chịu tổn thất lớn về sức khỏe, tâm, sinh lý và hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội" - Bộ Công an lo ngại.
Cục CSHS giải cứu thành công các cháu bé sơ sinh trong đường dây mua bán người
Từ các bất cập hiện hữu, Bộ Công an đề xuất sửa đổi 4 chính sách lớn tại dự thảo lần này, trong đó để xác định nạn nhân của tội phạm mua bán người, dự luật bổ sung quy định một số khái niệm về mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp.
Dự luật cũng quy định cụ thể các tiêu chí để xác định một người là nạn nhân bị mua bán, như tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế nhằm nhanh chóng, kịp thời xác định nạn nhân của các vụ mua bán người để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Quy định này cũng để hỗ trợ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong điều tra xử lý các vụ việc mua bán người cũng như góp phần giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng bị mua bán, ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chính sách tiếp theo, dự luật quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, theo đó quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như đối với nạn nhân mua bán người; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ hỗ trợ này.
Mục tiêu của chính sách là nhằm tổ chức thực hiện tốt an sinh xã hội cho các đối tượng đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hỗ trợ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết việc hỗ trợ các đối tượng đang bị bất ổn về sức khỏe, tâm sinh lý và có thể là nạn nhân của mua bán người.
Vẫn tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất cơ chế, chính sách để nâng cao chế độ hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân theo hướng nâng mức tiền ăn, trợ cấp khó khăn ban đầu, cho vay vốn... Ở chính sách này, quy định thủ tục thực hiện hỗ trợ đơn giản, thuận tiện hơn, giúp các nạn nhân được tiếp cận nhanh hơn cùng với quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Chính sách cuối là quy định cho phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân (cả với người Việt Nam và người nước ngoài) với thủ tục đơn giản, thuận tiện nhưng chặt chẽ phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan.
Nhìn nhận đây là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, Bộ Công an xây dựng 2 phương án, trong đó phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành (chỉ cho phép cá nhân, tổ chức Việt Nam được thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân); phương án 2 cho phép các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả người Việt Nam và nước ngoài) được thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Công an đánh giá, phương án 2 bảo đảm việc huy động tổng thể các nguồn lực để hỗ trợ tốt hơn nạn nhân trong các vụ mua bán người; hỗ trợ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ nạn nhân là chính sách bảo vệ đối tượng yếu thế trong xã hội, là chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và thể hiện chính sách ngoại giao với các nước khi hỗ trợ các nạn nhân là người nước ngoài. Vì thế, việc để cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia trực tiếp, theo Bộ Công an, sẽ không bảo đảm vai trò của Nhà nước trong thực hiện chính sách này.
Mặt khác, Bộ Công an quan ngại, việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân có thể sẽ phát sinh những phức tạp về an ninh, trật tự trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở. Trong khi đó, số nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận, xác minh không lớn (trung bình 700 nạn nhân/năm), nên Bộ Công an cho rằng, việc mở rộng chủ thể thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân là không cần thiết trong thực tiễn hiện nay.
Với tính cấp thiết của việc sửa đổi luật kể trên, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật Phòng, chống mua bán người vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội khóa XV; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).