Đừng sập bẫy của tội phạm mua bán người

Thứ Sáu, 05/08/2022 09:47

|

(CATP) Để chuộc người thân trở về từ Campuchia với số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình bỗng dưng phải mang nợ. Cuộc sống của những gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khốn khó do phải gánh thêm món nợ từ giấc mơ vượt biên tìm việc đổi đời.

Món nợ từ giấc mơ đổi đời

Đứng trước lời dụ dỗ ngon ngọt rằng sang Campuchia làm ăn với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Kiều (SN 1990, ngụ TP.Tây Ninh) đã giấu gia đình, người thân, bỏ lại con nhỏ cho chồng rồi khăn gói vượt biên với hy vọng đổi đời. Đến khi vỡ mộng làm giàu, tỉnh ngộ cũng là lúc đặt lên đôi vai người chồng món nợ trên 100 triệu đồng khi gia đình phải vay mượn gửi tiền sang nước bạn chuộc vợ.

Chị Kiều kể, ban đầu không có việc làm, vô tình lướt trên Facebook thấy có chỗ tuyển việc làm lương cao, mỗi ngày làm 8 tiếng, làm ở rạp chiếu phim nên em mới liên hệ qua bển để đi làm. Bên tuyển dụng hẹn em sẽ sắp xếp xe tới khu vực An Sương, TPHCM để chở em tới cửa khẩu Mộc Bài. Tại đây có xe ôm đưa em đi một đoạn, sau đó phải lội ruộng mới qua được Campuchia. Tại đây có xe đón đưa về chỗ tập trung có nhiều cô gái. Tới sáng hôm sau, chủ kêu đi làm, ai không đi kêu người nhà chuộc về với giá 2.500 USD. Vì lúc đó gia đình em chưa xoay tiền kịp nên chủ đưa em vào công ty làm việc để trừ tiền môi giới.

Một nạn nhân kể lại sự việc khi bị lừa bán sang Campuchia

Để có thêm nhân lực làm việc, những người chủ còn ép nhân viên như chị Kiều lên mạng chèo kéo thêm người khác sang Campuchia làm việc cho chúng. Một ngày quy định tuyển 10 người, không tuyển đủ chỉ tiêu thì 1 người trừ 1.000 USD. Chị Kiều không đồng ý, chống đối thì chủ quăng vô xe dọa chở đi bán cho nơi khác.

Khi vào công ty làm việc, chị Kiều cũng như bao nạn nhân khác sẽ không được ra ngoài, xung quanh là những bức tường cao bao kín, có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt, không có đường trốn thoát. Không còn cách nào khác, chị Kiều cầu cứu gia đình vay mượn tiền gửi sang Campuchia nộp cho chủ để đổi lại sự tự do. Anh Trần Văn Minh (SN 1989, chồng chị Kiều) phải chạy vay mượn họ hàng, chòm xóm không sót một ai mới tích góp đủ 106 triệu đồng chuộc vợ hồi hương.

Với nhiều gia đình, việc mất tiền nhưng đưa được người thân trở về vẫn còn là điều may mắn. Có nhiều trường hợp như con trai của ông Nguyễn Văn Q. (SN 1957, ngụ huyện Tân Châu) theo bạn qua đến Campuchia tìm việc, khi qua đến nơi thì hoàn toàn mất liên lạc sau cuộc gọi về cho gia đình. Không thể chạy vay tiền chuộc con như những trường hợp bị lừa bán sang Campuchia, gia đình ông Q. chỉ biết lo lắng, thấp thỏm, chờ tin con trong vô vọng, chỉ mong con trai lành lặn trở về.

Ông Nguyễn Văn Q. đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tây Ninh trình báo sự việc

Trong khi các đường dây tội phạm buôn bán người chưa được bóc gỡ triệt để thì hằng ngày rất có thể vẫn còn nhiều nạn nhân mới sập bẫy lừa. Như trường hợp nhóm bạn trẻ cũng tin lời rao tìm việc trên mạng, trên đường di chuyển qua Campuchia, đến khu vực xã Phước Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh để thuê nhà nghỉ qua đêm sáng mai đi tiếp thì được người dân địa phương nhắc nhở, lúc bấy giờ cả nhóm mới chợt nhận ra mình đã bị lừa nên bàn nhau bỏ trốn thì thất lạc. Sau đó Nguyễn Thanh P. (SN 1996) và Hoàng Văn B. (SN 1995, cùng ngụ tỉnh Thái Nguyên), không liên lạc được với 3 người đi cùng nên đến Công an xã nhờ giúp đỡ. Lực lượng Công an liên lạc với gia đình và hỗ trợ đưa 2 em về quê.

Cạm bẫy cần tránh

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh, thành đã triệt phá nhiều vụ buôn bán người, giải cứu thành công nhiều nạn nhân. Điển hình như ngày 21-7, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng giải cứu thành công 2 nạn nhân nữ (cùng SN 2004, là người dân tộc thiểu số, cư trú tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) trong vụ án mua bán người từ tỉnh Đắk Lắk ra thành phố Hải Dương.

Ngày 03-8, BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết vừa bàn giao các đối tượng trong vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn các huyện cho Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục điều tra. Trước đó, tiếp nhận tin tố giác của chị Vàng Thị Ch. (SN 2002) và chị Sùng Thị X. (cùng trú tại huyện Đồng Văn, Hà Giang) về việc bị một số đối tượng lừa bán sang Trung Quốc, lực lượng chức năng đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã xác định được và bắt giữ 3 đối tượng mua bán người. Hiện vụ việc được lực lượng biên phòng bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục thụ lý, điều tra mở rộng.

Một nhóm người xuất cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Long An) bắt giữ
Đối tượng mua bán người bị bắt giữ

Tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng thời gian qua diễn biến khá phức tạp, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng; có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới. Bộ Công an "điểm mặt" 5 thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng để dụ dỗ nạn nhân và thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, theo Bộ Công an, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. Lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho những người bệnh với giá cao.

Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động.

Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng mua bán người đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội, sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó hứa hẹn rồi dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi chúng đón ép bán làm vợ, bán vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanmar.

Bên cạnh chỉ ra các thủ đoạn của tội phạm này, Bộ Công an cũng nêu rõ các trường hợp có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Theo đó, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc), đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.

Nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, giữ thông tin bí mật không để các đối tượng nghi ngờ; tìm cách báo cho gia đình, người thân hoặc cơ quan Nhà nước nơi gần nhất hoặc cơ quan Nhà nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ giải cứu an toàn. Có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ. Về việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân được quy định tại Chương IV và Chương V của Luật phòng, chống mua bán người.

Khen thưởng Ban chuyên án điều tra mua bán người sang Campuchia

Ngày 02-8, Tỉnh ủy Gia Lai và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tỉnh vừa trao thưởng 60 triệu đồng cho các lực lượng tham gia chuyên án GL622 - đường dây mua bán người sang Campuchia. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, UBND tỉnh Gia Lai tặng 12 bằng khen; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tặng 5 giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện chuyên án GL622.

Tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen cho các thành viên chuyên án GL622

Những ngày cuối tháng 6-2022, 7 thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số (độ tuổi từ 16 đến 23, cùng ngụ xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Đi sang Campuchia được khoảng 1 tuần, 7 thanh niên này đã gọi điện về cầu cứu gia đình nộp 150 triệu đồng để chuộc thân. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Gia Lai đã xác lập chuyên án để điều tra và đã nhanh chóng khám phá đường dây mua bán người này. Đến ngày 06-7, cả 7 nạn nhân đã được lực lượng biên phòng phối hợp với các tổ chức đưa về nước an toàn.

CHÍ DŨNG

Bình luận (0)

Lên đầu trang