Những cái chết thương tâm
Ngày 02-8, Công an TP.Hà Nội đang phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Bộ Công an điều tra làm rõ vụ cháy, khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hy sinh. Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 01-8, người dân phát hiện quán karaoke 6 tầng ở số nhà 231 phố Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) bốc cháy nên hô hoán và báo công an. Lập tức Công an TP.Hà Nội điều động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an quận Cầu Giấy và Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Đống Đa có mặt tổ chức tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy.
Ba cán bộ, chiến sĩ của đội gồm: Trung tá Đặng Anh Quân (Đội trưởng), Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc đã hướng dẫn đưa 8 người ra ngoài an toàn rồi quay lại hiện trường để chữa cháy. Khi cả ba lên tới tầng 4 thì cầu thang bất ngờ đổ sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà thời điểm đó cũng sập xuống đè vào người dẫn đến cả ba người hy sinh. Vụ cháy sau đó được lực lượng chức năng dập tắt hoàn toàn. Quá trình điều tra ban đầu, công an xác định vụ cháy xuất phát từ tầng 6 của quán karaoke, do việc hàn xì sửa chữa quán dẫn tới cháy.
Dùng xe thang cứu 2 nạn nhân tại vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (P2Q5) trưa 11-11-2021 Còn tại TPHCM, tháng 3-2021, chủ căn nhà 4 tầng ở con hẻm đường Phan Văn Trị (phường 7, quận Gò Vấp) thuê thợ tới hàn lan can nhà. Quá trình làm việc, tia lửa văng trúng la phông gây cháy khiến chủ nhà, thợ hàn mắc kẹt trên tầng cao. Đám cháy bùng phát mạnh, cột khói bốc cao mù mịt. Ngọn lửa lớn kèm khói đen bao trùm cả ngôi nhà. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Gò Vấp điều xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến dập lửa và cứu 2 người mắc kẹt trong ngôi nhà. Vụ cháy làm thiệt hại tài sản và khoảng 5m2 trong căn nhà 4 tầng diện tích 100m2. May mắn không có thương vong về người.
Công an TPHCM cho biết, tháng 7-2022, thành phố xảy ra 10 vụ cháy, may mắn không gây thương vong về người. Bên cạnh đó, xảy ra 20 vụ tai nạn, sự cố cần tổ chức cứu nạn, cứu hộ và lực lượng chức năng đã cứu được 6 người. Phòng PC07 cho biết, qua triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH, tình hình cháy trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 và 2019 trên 3 tiêu chí về số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản. Cụ thể, so sánh với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 18 vụ (tỷ lệ 14,4%), số người chết giảm 20 người, số người bị thương giảm 18 người, thiệt hại về tài sản giảm khoảng 1,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy giảm 60 vụ (tỷ lệ 35,9%), số người chết không tăng, không giảm, thiệt hại về tài sản giảm 429 triệu đồng.
Trước đó, hơn 13 giờ ngày 29-10-2002, ngọn lửa bùng cháy tại tòa nhà ITC số 95 - 101 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1). Vụ hỏa hoạn khởi phát từ vũ trường Blue ở tầng 3 đang trong quá trình sửa chữa, sau đó bùng lên dữ dội bao trùm tòa nhà. Nhiều lực lượng, kể cả quân đội, cùng hơn 500 xe chữa cháy được huy động. Vụ cháy đã làm 60 người chết, 70 người bị thương (bỏng, ngạt, chấn thương do nhảy từ trên cao xuống). Tổng thiệt hại vụ cháy trên 40 tỷ đồng.
Nguyên nhân hỏa hoạn tại tòa nhà ITC là do thợ hàn vũ trường Blue để mối hàn rơi vào mút xốp gây cháy. Khi xảy ra cháy, người này dùng bình chữa cháy chữa nhưng không hiệu quả làm ngọn lửa lan nhanh. Sau này, chủ thuê thợ hàn gây cháy đã nhận hết tất cả sai lầm của mình và chịu mọi hình phạt của pháp luật. Thế nhưng, những cái chết thương tâm do hàn xì vẫn chưa dừng lại...
Chữa cháy khách sạn ở quận 1
Người dân cần cảnh giác cao độ
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM, các vụ cháy trên một lần nữa cho thấy việc hàn cắt kim loại tưởng như không có gì quá nguy hiểm, thế nhưng nếu sơ ý, chủ quan, không thao tác cẩn trọng vẫn có thể gây ra những hậu quả vô cùng lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Có thể nói, một thực trạng ở hầu hết các vụ cháy, nổ xảy ra mà nguyên nhân từ hàn cắt kim loại là do ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó còn có sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trang bị kiến thức cơ bản nhất về vệ sinh an toàn phòng chống cháy, nổ cho nhân viên.
Do vậy, khi tiến hành hàn cắt kim loại, người lao động chỉ làm theo phân công của người quản lý, họ chưa thực sự quan tâm đến những đặc tính nguy hiểm về cháy, nổ từ vẩy hàn và nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình làm việc. Khi xảy ra sự cố, thợ hàn cắt kim loại cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi. Đồng thời, họ không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh; thậm chí bỏ chạy khiến đám cháy lan nhanh dẫn đến những hậu quả khó lường.
Xe thang tiếp cận dập tắt lửa
Trưởng phòng PC07, Công an TPHCM cho biết, người dân khi hàn cắt trong các buồng, thùng, khoang, bể phải thực hiện thông gió, cử người theo dõi, phải có biện pháp an toàn cụ thể và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép; không hàn ở các hầm, thùng, khoang, bể đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ. Người dân khi hàn bên trong các hầm, thùng, khoang, bể phải thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5m/s; phải kiểm tra đảm bảo hầm, thùng, khoang, bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy, nổ mới cho người vào hàn.
Quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vẩy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ. Khi hàn trên cao và ngoài trời tại các vị trí, nếu chưa có biện pháp phòng, chống cháy nổ thì không được hàn cắt, phải làm sàn bằng vật liệu không cháy (hoặc khó cháy).
Trưởng phòng PC07, Công an TPHCM chia sẻ, khu vực hàn cắt kim loại phải cách ly với khu vực làm các công việc khác. Trường hợp do yêu cầu của quy trình công nghệ, cho phép bố trí chỗ hàn cùng với khu vực làm việc khác nhưng giữa các vị trí phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy. Khi khử dầu mỡ trên bề mặt của vật hàn, phải dùng chất không gây cháy, nổ và không độc hại. Ngoài ra, phải sử dụng người có chứng chỉ về công việc hàn, được huấn luyện về an toàn lao động, an toàn PCCC để thực hiện công việc hàn, cắt kim loại; thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hàn để họ nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn, cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.
Chữa cháy quán karaoke tại quận 10
Thợ hàn chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện... Quá trình hàn cần trang bị các phương tiện PCCC như bình chữa cháy để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Khi ngừng công việc hàn cần kiểm tra khu vực xung quanh xem có tồn tại các nguy cơ, yếu tố dẫn đến cháy, nổ không, nếu có phải loại trừ ngay.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh, với thợ hàn cần trang bị đồ bảo hộ cá nhân, chuẩn bị bình chữa cháy cho khu vực hàn và chậu nước để làm nguội mỏ hàn. Không dùng búa, các dụng cụ phát tia lửa để gõ vào nắp chai chứa khí. Khi mồi lửa cho mỏ hàn hơi, người thợ phải dùng diêm, bật lửa chuyên dụng. Khi hàn không quàng ống dẫn khí vào cổ, vào vai, kẹp chân, cuộn tròn hay bẻ gập ống.
Thợ đang hàn mà mỏ hàn hơi cháy thì không mang ra khỏi khu vực làm việc. Hàn trên cao không được mang mỏ hàn hơi đang cháy để leo thang. Khi nghỉ phải tắt lửa mỏ hàn, đóng van cấp khi tới mỏ hàn. Khi hàn hồ quang chỉ được phép cấp điện từ máy phát điện hàn, máy biến áp hàn, máy chỉnh lưu. Không được phép cấp trực tiếp từ lưới điện động lực, lưới điện chiếu sáng hoặc lưới điện xe điện...