(CAO) Ngày 21-2, tại TPHCM, Cục Đối ngoại, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Công an TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo lần thứ hai về nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, khu vực từ Quảng Bình trở vào phía Nam.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, triển khai hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hợp tác ASEAN - Australia về phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình ASEAN-ACT) tại Việt Nam năm 2022, từ ngày 21-22/2/2022 tại TPHCM, Cục Đối ngoại, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp Công an TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo lần thứ hai về nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, dành cho các đại biểu khu vực phía Nam từ Quảng Bình trở vào (hội thảo lần thứ nhất dành cho các đại biểu khu vực phía Bắc đã được tổ chức từ ngày 14-16/4/2021 tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai).
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong trạng thái bình thường mới.
Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan liên ngành Trung ương từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và đại diện lực lượng công an, biên phòng một số tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam về mua bán người và giáp biên với Lào, Campuchia. Các chuyên gia quốc tế từ Văn phòng Chương trình khu vực tham dự theo hình thức trực tuyến. Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Công an TPHCM tham dự khai mạc hội thảo vào sáng 21-2.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong PCTP xuyên quốc gia nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.
Tình hình tội phạm xuyên quốc gia nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo
Theo đó, hợp tác quốc tế đang là xu hướng tất yếu, góp phần thiết thực và hiệu quả nhằm đẩy lùi hoạt động mua bán người. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đấu tranh với tội phạm mua bán người thuộc Chương trình Quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt vào ngày 9-2-2021.
Xuất phát từ thực tiễn cấp bách trên và những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người của các cơ quan chức năng thời gian qua, việc tổ chức hội thảo lần thứ hai về nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTP mua bán người dành cho các đại biểu khu vực phía Nam, nhất là các địa phương giáp biên với Lào, Campuchia có ý nghĩa thực sự quan trọng và cần thiết.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu từ các cơ quan liên ngành trung ương, địa phương và các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Qua đó, kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai mạc
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày với 3 phiên thảo luận chính gồm: Tổng quan về hợp tác quốc tế trong PCTP mua bán người; Thực tiễn hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người; Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTP mua bán người.
Đại biểu sẽ được nghe các tham luận chuyên sâu từ các chuyên gia trong nước và quốc tế và tham gia các phiên thảo luận nhóm theo lĩnh vực chuyên trách để nâng cao nhận thức về nội hàm công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; nêu bật một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong PCTP mua bán người.
Những ý kiến tham luận, đề xuất, góp ý… tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong triển khai nội dung hợp tác quốc tế thuộc Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế được đề xuất trong hội thảo sẽ được ghi nhận để kiến nghị, đề xuất lãnh đạo các cấp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội thảo được nghe các tham luận về các vấn đề như: Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế CAND trong PCTP mua bán người và hỗ trợ bảo vệ nạn nhân; Hợp tác quốc tế giữa Campuchia và Việt Nam trong phòng chống mua bán người; Thực tiễn hoạt động hợp tác song phương, hợp tác đa phương trong điều tra vụ án mua bán người…