Từ đầu năm đến nay, Công an các địa phương đã phát hiện 27 vụ, bắt 57 đối tượng, lừa bán 46 nạn nhân. Trong đó, Cục Cảnh sát hình sự triệt phá 2 chuyên án, bắt 7 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân… Trên thực tế, tội phạm mua bán người đã phát hiện xảy ra, có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện nay, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba. Mua bán người ở nước ta chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm khoảng trên 80% số vụ mua bán người), tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liên giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào…
Theo thống kê, bình quân trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, mỗi năm có khoảng 260 vụ, với 340 đối tượng, lừa bán 500 nạn nhân.
Cục Cảnh sát Hình sự giải cứu thành công các cháu bé sơ sinh trong đường dây mua bán người.
Điển hình, cuối tháng 2-2021, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá đường dây tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi và tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại trên địa bàn TP Hà Nội và một số địa phương khác liên quan. Giải cứu 5 cháu bé sơ sinh. Đến nay đã khởi tố, tạm giam 6 đối tượng gồm: Mai Minh Chung, Đặng Trương Đào Nguyên Anh, Ninh Thị Hải Yến, Nguyễn Hồng Quang, Vũ Thị Mai Hoa, Nguyễn Xuân Hưng.
Qúa trình đấu tranh chuyên án, Cục phát hiện đối tượng đưa trẻ sơ sinh lên biên giới tỉnh Cao Bằng để bán sang Trung Quốc. Cục đã chỉ đạo Công an tỉnh Cao Bằng xác minh, truy bắt và đến nay đã bắt giữ được 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Nhiều, Lâm Tố Quyên, Hà Thị Yến Xuân.
Cục Cảnh sát Hình sự giải cứu thành công các cháu bé sơ sinh trong đường dây mua bán người.
Cục Cảnh sát hình sự chỉ rõ, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát hình sự, khác với trước đây, khâu tiếp nhận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay các đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, trong tháng 6, Công an huyện Hải Hậu và Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nam Định đã đấu tranh thành công một chuyên án mua bán người mà nạn nhân lại bị lừa bán làm nhân viên phục vụ quán karaoke và quán massage trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Tháng 7/2020, vợ chồng Trương Tuấn Anh, mở quán karaoke Nhạc Việt và cơ sở massage tại khu 8, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Để lôi kéo được nhiều khách đến quán, vợ chồng Trương Tuấn Anh đăng tin tuyển chọn nhân viên phục vụ quán qua mạng xã hội facebook. Sau đó, Trương Tuấn Anh bảo Đinh Văn Tiến lên mạng tìm kiếm những cô gái trẻ về làm nhân viên cho quán.
Thông qua mạng xã hội facebook, Tiến đã làm quen, lừa được 6 thiếu nữ trong độ tuổi từ 14 tuổi đến 16 tuổi trú tại các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Hải Hậu của tỉnh Nam Định, đưa lên làm nhân viên tại quán của Trương Tuấn Anh. Hàng ngày, 8 cháu ăn ở, sinh hoạt tại nhà của vợ chồng Trương Tuấn Anh.
Khi có khách hát karaoke hoặc tẩm quất, massage thì Tuấn Anh và Tiến sẽ đưa các cháu đến quán phục vụ khách… Ngày 22-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Tuấn Anh và Đinh Văn Tiến về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Hai bị can Trương Tuấn Anh và Đinh Văn Tiến
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội trong nước, siết chặt quản lý biên giới… tình hình tội phạm mua bán người giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng loại tội phạm này vẫn manh nha hoạt động.
Cục Cảnh sát Hình sự đưa ra các cách nhận biết khi đối tượng thường sử dụng những hình thức để tiếp cận các nạn nhân, vì vậy người dân cần nâng cao cảnh giác.
Trong đó, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) làm quen, giả yêu đương, kết bạn, hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao thay vì phải trực tiếp tuyển mộ, vận chuyển như trước đây, sau đó lừa bán nạn nhân và các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: quán karaoke, massage, tẩm quất) để hưởng lợi hoặc bán ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Hoặc phát hiện một số vụ việc lừa đảo hôn nhân, các đối tượng thỏa thuận nạn nhân về việc sang lấy chồng nước ngoài để hưởng lợi, sau đó sẽ tổ chức cho nạn nhân trốn về nước, gây ảnh hưởng đến ANTT hai nước.
Cục Cảnh sát Hình sự giải cứu thành công các cháu bé sơ sinh trong đường dây mua bán người.
Giả danh lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng để lừa gạt, cưỡng ép lừa bán phụ nữ trẻ em tại các tỉnh miền núi phía Bắc sang Trung Quốc; dụ dỗ, lôi kéo, môi giới phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài sinh và bán con.
Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho những người bệnh với giá cao.
Lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài… để tổ chức xem mặt, chọn vợ, tuyển lựa, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn để môi giới lấy chồng nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài...