Ô nhiễm nguồn nước đến mức báo động ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Bài cuối: Những kẻ "đầu độc" dòng sông

Thứ Năm, 22/07/2021 10:33

|

(CATP) Trước hành vi vi phạm của một số chủ doanh nghiệp xả nước thải chưa xử lý ra sông gây ô nhiễm nguồn nước, các cơ quan chức năng đề nghị tăng nặng hình thức xử phạt hoặc xử lý hình sự. Có như vậy, công ty mới ý thức được hành vi bảo vệ môi trường.

Vi phạm chồng vi phạm

Theo nhận định cơ quan chức năng, các công ty vi phạm ô nhiễm môi trường xem thường pháp luật. "Do hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn tốn nhiều kinh phí. Vì vậy, một số doanh nghiệp, công ty không xây dựng hệ thống xử lý nước thải như cam kết. Để phi tang, họ thuê một số đối tượng vận chuyển sang nơi khác tìm cách đổ xuống sông. Thay vì đóng cửa nhà máy cho đến khi có hệ thống xử lý nước thải mới cấp phép hoạt động thì địa phương ra quyết định phạt hành chính là không đủ sức răn đe. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải xem xét bằng trách nhiệm hình sự", một cán bộ hưu trí ở Vĩnh Vong cho biết.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Văn Cương (46 tuổi, ngụ Tiền Giang) với số tiền 180 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên. Ngoài ra, buộc ông Cương phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt hành chính. Đồng thời, chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu nước thải với số tiền 14.868.000 đồng.

Ngày 2-6, Công an TX.Bình Minh (Vĩnh Long) bắt quả tang xe tải BS: 63C-l04.49 do Nguyễn Văn Hết (31 tuổi, ngụ Tiền Giang) điều khiển đang xả 2 thùng (có dung tích khoảng 9.000 lít) chất lỏng màu đen nhạt, mùi rất hôi xuống cống thoát nước ở khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận. Công an thị xã Bình Minh đã lập biên bản tạm giữ phương tiện, 2 thùng chất lỏng và lấy mẫu gửi giám định. Bước đầu Hết khai đã 2 lần xả thải trái phép tại thị xã Bình Minh, mỗi lần khoảng 6.000 lít. Người dân khóm Đông Thuận phải khổ sở mùi hôi thúi nồng nặc nên báo với cơ quan công an. Chủ xe tải trên là Nguyễn Văn Cương, anh ruột Hết.

Qua xác minh, doanh nghiệp thuê xe chở chất thải đổ ra môi trường là Công ty TNHH MTV Thực phẩm Nhất phẩm Việt Nam (lô B, KCN Bình Minh, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long). Đáng chú ý, ngày 15-6, công ty này vừa bị phạt 468 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng để khắc phục vi phạm. Theo đó, công ty không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định; thực hiện không đúng, không đầy đủ về thông số (thiếu thông số lưu lượng và bụi tổng); xả nước thải có 3 chỉ tiêu thông số vượt tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Công ty TNHH MTV Thực phẩm Nhất phẩm Việt Nam trong khu công nghiệp tiếp tục vi phạm môi trường

Ngoài ra, để khắc phục hậu quả, UBND tỉnh Vĩnh Long buộc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Nhất phẩm Việt Nam phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày ban hành quyết định. Để khắc phục hậu quả, công ty này đã thuê xe của Cương để chở chất thải lỏng đi nơi khác xử lý. Tuy nhiên, Cương đã cho xe tải do Hết cầm lái xả thải trái phép xuống cống thoát nước ở khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận thì bị phát hiện.

UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định xử phạt Công ty TNHH thủy sản Blue Bay (Công ty Blue Bay, trụ sở ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, H.Cái Nước, Cà Mau) bị phạt 608 triệu đồng, do đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100m3/24 giờ đến dưới 200m3/24 giờ. Ngoài ra, Công ty Blue Bay còn bị phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 6 tháng và phải thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 30 ngày. Cuối tháng 5-2019, công ty đi vào hoạt động nhưng thường xuyên vi phạm môi trường. Tháng 6-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Blue Bay hơn 500 triệu đồng vì có hành vi xả thải ra môi trường.

Nguyễn Văn Cương, chủ chiếc tải đồng ý nhận chở nước thải
Nguyễn Văn Hết khai 2 lần đổ nước thải trái phép

Xử lý chưa đủ sức răn đe

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, do xử lý các doanh nghiệp vi phạm môi trường chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng tiếp tục vi phạm, xem thường pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện có hơn 30 nhà máy chế biến thủy sản có quy mô công suất thuộc thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát về môi trường, còn lại các cơ sở thu mua, sơ chế với công suất từ 100 đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm thì thuộc thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có hơn 10 nhà máy công bố điểm xả thải đây là điều đáng lo ngại, bởi những nhà máy chế biến thủy sản nhất là các nhà máy có công suất lớn điều nằm dọc theo kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau.

Công ty TNHH MTV Thực phẩm Nhất phẩm Việt thuê xe tải chở nước thải đem đến nơi khác đổ

Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2020 tại các tỉnh thuộc khu vực miền Nam, gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận, Trà Vinh. Trong đó đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật môi trường đối với 5 doanh nghiệp, đơn vị với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng.

Tại Kết luận thanh tra số 271/KL-TCMT, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5m³/ngày (24 giờ). Sau khi có kết quả đo đạc và phân tích mẫu nước thải từ xưởng lột tôm sơ chế không qua xử lý, xả trực tiếp ra sông Gành Hào, Tổng cục Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp này số tiền 104 triệu đồng; buộc phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định.

Tại tỉnh Trà Vinh, Tổng cục Môi trường đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 80 triệu đồng đối với Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam và 560 triệu đồng đối với Trung tâm Quản lý hạ tầng Khu kinh tế, Khu Công nghiệp Trà Vinh do thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM... Ngoài ra, Trung tâm Quản lý hạ tầng Khu kinh tế, Khu công nghiệp Trà Vinh còn trì hoãn, trốn tránh không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Công ty hoạt động 2 năm nhưng có "thành tích" gây ô nhiễm môi trường

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Dừa (ấp Mỹ An B, xã Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre) bị phạt 370 triệu đồng do vi phạm các quy định về môi trường. Công ty này chuyên mua bán, sơ chế thạch dừa thô.

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Bến Tre phát hiện công ty trên xả nước thải vượt quy chuẩn về kỹ thuật vào môi trường từ hoạt động sản xuất, nên đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính 140 triệu đồng do lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải (nước thải sản xuất) không qua hệ thống xử lý ra môi trường.

Công ty này còn bị xử phạt 230 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên. Ngoài mức phạt trên, công ty bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục, phải vận hành đúng công trình bảo vệ môi trường, buộc tháo dỡ thiết bị đường ống để bơm nước thải không qua xử lý ra môi trường và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tác hại của việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm

Theo chuyên gia y tế, hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư... ngày càng tăng. Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh hoạt. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước còn gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh, các hộ nuôi trồng thủy sản.

Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư trong đó thường gặp là ung thư da. Ngoài ra, asen còn gây nhiễm độc hệ thống tuần hoàn khi uống phải nguồn nước có hàm lượng asen 0,1mg/l. Vì vậy, cần phải xử lý nước nhiễm asen trước khi dùng cho sinh hoạt và ăn uống.

Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm amoni, nitrat, nitrit gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư. Chất tẩy trắng xenon peroxide, sodium percarbonate gây viêm đường hô hấp, oxalate kết hợp với calcium tạo ra calcium oxalate gây đau thận, sỏi mật. Vi khuẩn, ký sinh trùng các loại là nguyên nhân gây các bệnh đường tiêu hóa, nhiễm giun, sán. Kim loại nặng các loại: titan, sắt, chì, cadimi, asen, thủy ngân, kẽm gây đau thần kinh, thận, hệ bài tiết, viêm xương, thiếu máu.

Bài 1: Sông ngòi cũng...
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang