Theo thống kê chưa đầy đủ, tại khu vực ĐBSCL, một số địa phương chưa có nhà máy xử lý nước thải. Chính quyền địa phương thiếu quan tâm, trong khi đó nhiều công ty, cá nhân lại âm thầm "đầu độc" môi trường...
Do không có hệ thống xử lý nước thải, một số địa phương trong tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Dòng sông cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cùng cá, tôm... thì lại bốc mùi hôi thối.
Tôm, cá "kêu cứu"
Từ ngày khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) hoạt động, người dân khu vực bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường. KCN Hòa Trung có quy mô hơn 320ha, có 13 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn trong lĩnh vực thủy sản. Các doanh nghiệp tự mua đất xây dựng nhà máy, tự lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tự xây hệ thống xử lý nước thải. KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Một người dân cho biết, hơn 10 năm đi vào hoạt động, người dân địa phương chịu mùi hôi thối, nước bị ô nhiễm. KCN có nhiều nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy đầu vỏ tôm... nên lượng nước thải khá lớn. Kênh xáng Lương Thế Trân và kênh Rạch Rập đen ngòm bởi ô nhiễm. Người dân khiếu nại, các cơ quan chức năng kiểm tra, các nhà máy đều có hệ thống xử lý nước nhưng chẳng hiểu sao sông ngòi ô nhiễm.
Kênh Sở Tại (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) ô nhiễm
"Trước khi tỉnh thành lập KCN Hòa Trung, người dân địa phương lấy nước kênh sử dụng trong sinh hoạt. các nhà máy đi vào hoạt động, cá tôm chết hết, người sao sử dụng nước được", ông Trần Thế Cường (ngụ ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân cho biết). KCN Hòa Trung cách TP.Cà Mau khoảng 5km ảnh hưởng đến nước sông bị ô nhiễm nặng. Người dân bên bờ kênh xáng Rạch Rập, đoạn TP.Cà Mau khổ sở khi thủy triều xuống chịu mùi hôi nồng nặc do dòng nước ô nhiễm.
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước phức tạp, Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho hay đã đề nghị TP đưa vào kế hoạch đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư nguồn vốn tư nhân, vốn vay ODA, trong đó có việc nâng công suất nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt hiện tại lên gấp đôi.
Ngoài ra, TP.Cần Thơ đã phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng kinh phí 20.280 tỉ đồng. Theo đồ án, đến năm 2030, tỉ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 75% - 90%; riêng nước thải công nghiệp, y tế và nước thải từ các làng nghề được thu gom xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường.
Tình trạng ô nhiễm dòng sông diễn ra khắp nơi. Tại rạch Đầu Sấu, nằm giữa 2 phường Hưng Lợi và An Bình, kéo dài đến phường An Khánh, quận Ninh Kiều, tiếp giáp với sông Cần Thơ nhưng con rạch này vẫn bị ô nhiễm. Theo người dân địa phương, khoảng 20 năm trước, nước ở con rạch này trong xanh, người dân chỉ việc lấy lên lóng phèn sử dụng. Nay nước lớn, rác theo con nước chảy vô; lúc nước ròng nó đen ngòm, bốc mùi hôi không chịu nổi. Ngay dưới chân cầu Đầu Sấu là nơi tập kết rác, nhiều khi rác đổ tràn ra con rạch. Nơi đây là một trong những nguyên nhân khiến rạch Đầu Sấu bị ô nhiễm nặng. Tương tự, tại rạch Ngã Bát (khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) cũng ô nhiễm nặng.
Tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang... một số con kênh không còn cá tôm mà là ô nhiễm. KCN Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 với diện tích 250ha. Đến nay, tỷ lệ phủ lấp hơn 61% giai đoạn 1 là 150ha nhưng các cơ quan chức năng phát hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện nhưng đã có 3 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động, đều là các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do đó, dòng sông xanh mang nước sinh hoạt cho người dân, nuôi sống cá tôm giờ chỉ còn là ký ức. "Một số người dân thiếu ý thức, rác thải quăng xuống sông. Sông ô nhiễm thì nước sao sử dụng được", ông Nguyễn Văn Lên (ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) khẳng định.
Nhà máy nước thải Cần Thơ chỉ xử lý được 20 - 25%
Không nhà máy xử lý nước thải
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nước sông bị ô nhiễm do nguồn nước thải KCN, nước thải sinh hoạt không qua xử lý. Dòng sông trở thành nơi chứa nước thải. Đáng tiếc, số lượng dân cư càng đông, tình trạng ô nhiễm nguồn nước báo động nhưng một số địa phương chưa có hệ thống sử lý nước thải hoàn chỉnh. Theo Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, địa phương chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đặt tại quận Cái Răng nhưng xử lý nước thải cho... quận Ninh Kiều. Những quận, huyện còn lại chưa có nhà máy xử lý nước thải. Ngày 19-3-2002, Dự án thoát nước và nhà máy xử lý nước thải TP.Cần Thơ được phê duyệt tại Quyết định số 784/QĐ-CT.UB của Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ).
Theo DA được duyệt, phạm vi thu gom và xử lý nước thải của DA bao gồm 10/13 phường thuộc quận Ninh Kiều, đó là các phường: An Lạc, An Cư, An Hội, An Phú, An Nghiệp, An Hòa, Tân An, Cái Khế, Thới Bình, Xuân Khánh có tổng mức đầu tư được duyệt trên 494 tỷ đồng (trên 19,3 triệu Euro), trong đó nguồn vốn ODA (Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức, thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức - KFW) trên 281 tỷ đồng, vốn đối ứng (ngân sách Nhà nước) trên 212 tỷ đồng. Công suất xử lý 30.000m3/ngày đêm. Quy mô dự án là 249.162.9m2 (khoảng 25ha). Diện tích khu xử lý nước thải 54.081m2. Diện tích xây dựng 63.740m2. Địa điểm xây dựng tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Tháng 11-2019, DA nghiệm thu và đưa vào sử dụng xử lý khoảng 20 - 25% lượng nước thải toàn TP.
Khu công nghiệp Thạnh Lộc chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung đã cho doanh nghiệp vào hoạt động
Theo Luật Bảo vệ môi trường quy định, với đô thị loại 2 như TP.Cà Mau là phải có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, toàn tỉnh Cà Mau hiện chưa có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại khu dân cư, nước thải tại các khu công nghiệp xử lý chưa đạt quy chuẩn, tạo ra mùi, màu, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, theo định hướng quy hoạch trước đây, TP.Cà Mau sẽ xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất 34.500m3/ngày đêm, nguồn nước sau xử lý được chuyển ra biển Tây. Tuy nhiên, qua nhiều năm đàm phán từ nguồn ODA, đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất. Tỉnh đang triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị tại TP.Cà Mau với kinh phí 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được Ý tài trợ nhưng đang trong giai đoạn thiết kế.
Tại Kiên Giang, Thanh tra Chính phủ từng công bố việc xử lý trách nhiệm trong ô nhiễm nguồn nước. Tại thời điểm thanh tra (tháng 5-2020), nhà máy xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức. Huyện Phú Quốc chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các khu vực tập trung đông dân cư, đặc biệt, tại thị trấn Dương Đông toàn bộ toàn nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh sông Dương Đông đều xả trực tiếp xuống sông gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực sông.
UBND TP.Phú Quốc đã trình UBND tỉnh Kiên Giang và các sở, ngành đề án thu gom xử lý nước thải cục bộ cho khu vực phường Dương Đông cùng các xã lân cận; đồng thời tìm giải pháp "cứu" sông Dương Đông và các sông, suối khác ở Phú Quốc. Địa phương kiến nghị, về lâu dài cần phải quy hoạch và di dời hàng chục nhà thùng nước mắm vào khu tập trung, có hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Thực tế ở Phú Quốc, từ Dinh Cậu (phường Dương Đông) đến khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ) có hàng trăm ống nước thải lớn nhỏ từ các khách sạn, resort ngang nhiên xả xuống biển. Không chỉ dọc bờ biển Phú Quốc, sông Dương Đông cũng là một trong những điểm hứng chịu nặng nề nguồn nước thải từ các nhà thùng sản xuất nước mắm, hàng chục nhà hàng sát bờ sông.
Bên cạnh đó, hàng chục hộ kinh doanh, sản xuất đồ khô cũng trực tiếp xả chất thải ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm sông Dương Đông vào đầu mùa khô càng trở nên trầm trọng. Nếu tình trạng trên không được xem xét xử lý, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên trầm trọng thì Phú Quốc có là thiên đường du lịch?
(Còn tiếp...)