Những "chiến sĩ áo trắng" cần tiếp sức trong cuộc chiến với Covid-19

Thứ Tư, 07/07/2021 10:55

|

(CATP) Hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 tràn vào nước ta, đội ngũ y tế (YT) luôn là "lá chắn thép" ở tuyến đầu chống dịch. Hết truy vết thần tốc lại giành lấy sự sống cho bệnh nhân (BN) nguy kịch, các thầy thuốc không biết đã bao lần lao vào vùng dịch để bảo vệ sức khỏe người dân.

Cuộc chiến cam go này được dự đoán sẽ còn phức tạp, chính vì thế sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội sẽ là "liều thuốc" hữu hiệu giúp chúng ta vượt qua gian nguy. Hơn lúc nào hết, ngành YT đang rất cần được tiếp sức để tiếp tục sứ mệnh đẩy lùi dịch bệnh.

Bước vào cam go

"Khi được điều động, em ấy đã lên đường" - dòng status này là của 1 bác sĩ (BS) viết về chuyến công tác đột xuất của vợ anh, 1 dược sĩ (DS) công tác tại Viện Pasteur TPHCM, cô đang xông pha trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Gia Lai. Thời điểm ấy là những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021 và chuyến đi này là lần thứ 2 cô bước vào cuộc chiến cam go.

Gia Lai khi ấy có 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cùng với các đoàn công tác của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, ngày 3-2-2021, Viện Pasteur TPHCM đã điều 2 chuyên viên xét nghiệm (XN) lên phố núi khẩn trương giúp địa phương tăng cường năng lực XN chẩn đoán Covid-19.

Sau 4 ngày bứt tốc, tổ chi viện đã phối hợp với các lực lượng tiếp ứng khác bước đầu truy vết, khoanh vùng, khống chế hiệu quả và tiến đến dập tắt các ổ dịch. Đạt được kết quả này còn có sự kề vai sát cánh, tương trợ kịp thời của các đơn vị trên cả nước; trong số đó, những cán bộ của Viện Pasteur TPHCM là ví dụ điển hình cho tấm gương sẵn sàng xung kích để bảo vệ sức khỏe người dân.

Chiều muộn ngày 5-7, phóng viên Báo CATP đến Khu cách ly tập trung (KCL) ký túc xá khu B - Đại học Quốc gia TPHCM ghi nhận tình hình phòng chống dịch và nhìn thấy đôi mắt sâu hoắm của 2 BS trẻ khi đã phải thức trắng nhiều đêm.

Một tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng khiến áp lực trên vai các nhân viên y tế (NVYT) trong KCL cũng tăng cao mỗi ngày. Họ làm việc với cường độ liên tục, căng thẳng và không thể nào chợp mắt. Hết theo dõi, chăm sóc bệnh nhân, các y BS lại cùng lo việc sổ sách, cứ thế, gần như 24 giờ trong ngày, các y BS đều phải "bầu bạn" với những lớp đồ bảo hộ nóng bức, kín từ đầu đến chân, không một phút ngơi nghỉ.

Hình ảnh các bác sĩ ngồi xe máy cày vào buôn làng chống dịch được khắc họa thành tranh thể hiện sự hy sinh của các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu

Tâm sự với phóng viên, BS Nguyễn Thúy Hoài Nhung cho biết, hôm qua tại tòa nhà C5, C6 tiếp nhận 400 BN. Đội ngũ YT tại đây hoạt động hết công suất từ 6 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Nữ BS chia sẻ thêm rằng, với tinh thần dốc sức vì thành phố (TP) và sức khỏe người dân, các y BS quyết tâm chiến đấu hết 100% sức lực. Nhưng rõ ràng lực lượng YT đang rất cần được tiếp sức!

Hiện trung bình mỗi ngày, số ca nhiễm mới được ghi nhận tại TP đều trên 3 con số, dẫn đến quá tải cho lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ YT. Hình ảnh các NVYT ướt sũng mồ hôi, mệt nhoài vì hoạt động quá sức mỗi ngày khiến cộng đồng mạng vô cùng xúc động. Chưa tính, bên cạnh việc điều trị cho các bệnh nhân F0, y BS còn điều tra dịch tễ, lấy mẫu tầm soát cộng đồng và cả tiêm chủng.

Bước qua ngày mới, hễ địa bàn nào phát hiện thêm một F0 là ngay lập tức các y BS lại bước vào cuộc đua mới: hết chạy đua với cường độ công việc, họ lại phải chạy đua với "tử thần" để giành giật sự sống cho những trường hợp nguy kịch. Cuộc chiến chống dịch sắp tới sẽ còn rất cam go nên việc giảm tải áp lực cho tuyến đầu chống dịch là điều đang được các cấp chính quyền hết sức lưu tâm.

Chia lửa với những "chiến binh" nơi tuyến đầu

Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cho đến nay, Bệnh viện (BV) 115 TPHCM đã chi viện hơn 1.500 lượt y, BS, điều dưỡng và NVYT cho các nơi. Còn tại BV Ung bướu TPHCM, từ đầu tháng 7 đến nay đã cử 21 y, BS đến KCL Ký túc xá ĐHQG TPHCM tiếp ứng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chỗ, đồng thời tăng cường thêm 20 NVYT tham gia tiêm chủng trong cộng đồng; ngoài ra còn chi viện đội ngũ YT tới 2 BV dã chiến tại huyện Củ Chi và Hóc Môn.

"Mỗi ngày, chúng tôi còn phải đảm bảo 120 lượt NVYT cùng tham gia đội ngũ lấy mẫu trong cộng đồng với các BV khác trên toàn TP. Áp lực rất lớn, nhưng với tinh thần sẵn sàng xung kích, chúng tôi sẽ làm hết sức" - BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM, chia sẻ.

Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đang nhận nhiệm vụ truy vết, cấp cứu và tiêm chủng, bố trí tổng cộng 45 đội, với gần 100 BS, NVYT để tiếp sức cho công tác chống dịch của TP. "Biết chống dịch là nguy hiểm, nhưng anh em luôn tự nhủ dẫu có hy sinh để TP vượt qua khó khăn thì chúng tôi luôn sẵn sàng" - BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV, bày tỏ.

Trên địa bàn TPHCM còn hàng trăm cơ sở YT, BV khác luôn trong tình trạng sẵn sàng chi viện đến các điểm cách ly tập trung và tham gia truy vết, tiêm chủng. Các đơn vị phải vừa đảm bảo công tác chuyên môn, khám chữa bệnh hàng ngày, vừa cắt cử nhân vật lực phục vụ công tác phòng chống dịch cho TP. Đó là một áp lực không hề nhỏ, rất đáng được ngợi khen!

Nhưng rõ ràng, sức lực của các y, BS có hạn! Điều này đã đặt ra vấn đề TP cần sớm có thêm nhiều lực lượng khác cùng xắn tay áo với ngành y trong các khâu đòi hỏi ít chuyên môn chuyên sâu như: thống kê - nhập liệu, sàng lọc BN, điều tra dịch tễ, thậm chí việc lấy mẫu trong cộng đồng, trung bình khoảng 30 phút cho đến 1 tiếng đồng hồ tập huấn thì các lực lượng khác (ngoài YT) hoàn toàn có thể đảm bảo đúng, chính xác các khâu lấy mẫu và bảo quản mẫu dịch trong cộng đồng.

Cuộc chiến này chắc chắn sẽ còn dài hơi, do vậy chính quyền TP luôn trong tâm thế chủ động xây dựng các lực lượng "chiến đấu" chủ công, lực lượng dự bị và cả đội ngũ hỗ trợ hậu phương để cùng tạo ra thế trận đoàn kết, đồng nhất. Và trong cuộc chiến đầy cam go đó, sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội sẽ là "liều thuốc" hữu hiệu để chúng ta vượt qua gian nguy.

Hạt gạo nghĩa tình của một thành phố nghĩa tình

Với tinh thần hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo đang chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh, nhãn hiệu gạo A An (thuộc Tập đoàn Tân Long) vừa phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trao 110 tấn gạo cho TP.Thủ Đức và các quận huyện tại TPHCM.

Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, điều hành nhãn gạo A An - chia sẻ: "Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp thì các hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái chính là nguồn lực rất ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp TPHCM cũng như cả nước chiến thắng dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống yên bình".

Nhãn hiệu gạo A An (Tập đoàn Tân Long) trao tặng 110 tấn gạo hỗ trợ người dân TPHCM chống dịch

Ngày 5-7, với mong muốn góp sức cùng TPHCM trong cuộc chiến chống dịch cam go này, Báo Công an TPHCM đã mở cuộc vận động phát động quyên góp 500 tấn gạo và 50.000 bộ đồ phòng hộ chống dịch.

Nhận được tin, cô Nguyễn Thị Dậu - chủ Tiệm bánh Như Lan trên đường Hàm Nghi, Q1 - đã đến tòa soạn gửi 50 tấn gạo và 5.000 bộ đồ phòng hộ chống dịch. Chúng tôi mong rằng tấm lòng cao quý của cô Dậu sẽ tiếp tục được lan tỏa để người dân thành phố nghĩa tình được tiếp sức trong dịch dã khó khăn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang