Cảnh báo: 8 chất ma túy lần đầu phát hiện ở Việt Nam

Thứ Năm, 22/07/2021 10:26

|

(CATP) Ngày 21-7, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan vừa có văn bản cảnh báo đối với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục và các cục hải quan địa phương về 8 chất ma túy mới lần đầu phát hiện ở Việt Nam.

Đề nghị bổ sung vào danh mục

Theo đó, 8 chất ma túy mới lần đầu phát hiện ở nước ta, gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA. Dù chưa có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam nhưng cả 8 chất trên đều có tác dụng tương tự các chất ma túy và đã được một số nước trên thế giới đưa vào danh mục kiểm soát ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công an TPHCM phối hợp với Cục C04 đã khám phá 814 vụ, bắt 1.581 đối tượng, thu giữ 610kg ma túy tổng hợp. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Hải quan, sân bay đấu tranh, triệt phá nhiều vụ án các đối tượng lợi dụng, núp bóng các doanh nghiệp để vận chuyển ma túy đi Campuchia và Thái Lan.

Theo Tổng cục Hải quan, đây là thủ đoạn lợi dụng để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy mới, chưa có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Qua kênh hợp tác quốc tế do Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận, Hải quan Nhật Bản đã bắt giữ một số hàng hóa khai báo là thuốc lá theo loại hình chuyển phát nhanh giữa Việt Nam - Nhật Bản có chứa chất MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA.

Trước tình hình trên, Cục Điều tra chống buôn lậu thông báo cho các cục hải quan địa phương và các đơn vị thuộc Cục thông tin và hình ảnh của 8 chất "ma túy mới" để các đơn vị biết, lưu ý trong quá trình thực hiện các biện pháp kiểm soát ma túy.

Liên quan đến 8 chất ma túy mới, theo Viện Khoa học hình sự (C09), Bộ Công an, trong thời gian qua, Viện đã nhận được các quyết định trưng cầu giám định chất ma túy nghi là ma túy loại mới xuất hiện ở Việt Nam. Qua công tác nghiệp vụ, Viện Khoa học hình sự đã xác định được 8 chất ma túy mới kể trên. Hiện nay, Bộ Công an đang đề nghị bổ sung 8 chất ma túy mới vào danh mục chất ma túy tại Việt Nam.

Những năm gần đây, trước tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp, Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiều văn bản cảnh báo toàn ngành về các thủ đoạn mới, hết sức tinh vi để vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới như cất giấu trong phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu... Qua đó góp phần kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển quy mô lớn, có những vụ việc thu giữ hàng trăm ký ma túy các loại.

Công an lấy ma túy từ trong dạ dày lợn

Phá nhiều chuyên án ma túy "khủng"

6 tháng đầu năm 2021 (từ ngày 16-12-2020 đến 15-6-2021), lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ 112 vụ, 75 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Tang vật thu giữ 21,3kg và 19 bánh heroin; 748,2kg cần sa; 277,2kg và 121.764 viên ma túy tổng hợp; 1.020 viên chất hướng thần các loại (60 viên diazepham, 90 viên alprazolam, 60 viên temazepam, 810 viên tramadol) và 296kg ketamine. Điển hình như chuyên án HK 668 triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia ngụy trang trong mô-tơ điện, bỏ vào dạ dày lợn có gắn định vị thu giữ hơn 280kg ma túy; Chuyên án HC421 thu giữ gần 128kg ma túy các loại vận chuyển từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không...

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhưng tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Đối tượng quốc tịch Đài Loan (đội mũ lưỡi trai trắng)
Các đối tượng ngụy trang ma túy trong mơ-tơ điện

Quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, Cục C04 vừa khẩn trương ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đồng thời chủ động triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, phương án hành động, mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực làm cho tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không...

Trên tuyến Tây Bắc, thời gian qua đã được các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh nhưng gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại, đáng chú ý là các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung đi một số tỉnh biên giới phía Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ, chúng thường xuyên thay đổi hướng vận chuyển để trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Núp bóng doanh nghiệp đưa ma túy ra nước ngoài

Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM, các tỉnh trọng điểm phía Nam và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia diễn biến hết sức phức tạp, trở thành "địa bàn nóng" về tội phạm ma túy của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gần đây có cả người Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nguy cơ biến Đông Nam Á trở thành trọng điểm ma túy toàn cầu.

Trên tuyến hàng không, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.

Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet trong đời sống xã hội.

Tang vật thu giữ trong các vụ án ma túy

Bên cạnh đó, các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh... móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty "bình phong" sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

Tình hình mua bán lẻ chất ma túy và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Gần đây, ngoài một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn lén lút hoạt động, các đối tượng chuyển địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự (do tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19) sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy...

Nghiêm trọng nhất là vụ phát hiện đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế, có liên quan đến bệnh nhân điều trị tâm thần và cán bộ của bệnh viện, gây bức xúc trong dư luận. Ngay trong tháng 5-2021, mặc dù ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, toàn quốc vẫn phát hiện, xử lý 55 vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TPHCM, Công an TPHCM nêu rõ: là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của cả nước, TP có nhiều tuyến giao thông thuận lợi. Do đó, các đối tượng tội phạm thường lợi dụng TP làm nơi tiêu thụ vừa làm nơi trung chuyển ma túy, nhất là các tuyến biên giới Việt Nam đi Campuchia, Lào. Thời gian vừa qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TPHCM xác định tình trạng tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang