"Biến tướng" ở dịch vụ cầm đồ

Thứ Sáu, 23/07/2021 11:36

|

(CATP) Vừa qua, công an các địa phương tổ chức kiểm tra các dịch vụ cầm đồ (DVCĐ) phát hiện hàng loạt bất ngờ. Nhiều xe máy đắt tiền được một số đối tượng cầm giá rẻ, lãi suất cao do không giấy tờ. Vì vậy, hàng loạt vấn đề phức tạp đã và đang diễn ra. Nơi đây cũng là "đất sống" cho các loại tội phạm lừa đảo, nghiện ngập, trộm cắp...

Truy sát chủ tiệm cầm đồ lãi suất cắt cổ

Sau khi ra quân kiểm tra các DVCĐ, cơ quan chức năng cho rằng nơi đây đang có biến tướng ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Người cầm đồ luôn đối mặt với nguy cơ rủi ro bị mất tài sản vì phải trả lãi quá cao, không có tiền chuộc. Trong khi đó, việc định giá tài sản lại quá thấp nhưng không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lợi. Chủ DVCĐ chạy theo lợi nhuận bất chấp tìm hiểu nguồn gốc tài sản theo quy định vẫn cầm cố. Hơn 2 tuần bị bắt giam về hành vi "cố ý gây thương tích), Nguyễn Bình An (SN 1998, ngụ Kiên Giang) tỏ ra hối hận. Để thỏa mãn cơn nghiện, An lấy xe máy của mẹ đến DVCĐ do Nguyễn Văn Thạnh (SN 1972) làm chủ để cầm với giá 1,5 triệu đồng.

Một chủ DVCĐ ở An Giang làm việc với công an

Biết An nghiện ngập và không phải chủ tài sản trên nhưng vì lợi nhuận, Thạnh đồng ý cầm. Vài ngày sau, bà T. (mẹ của An) phát hiện liền đến gặp Thạnh để chuộc lại. Thế nhưng chủ tiệm cầm đồ này lại nhẫn tâm tính lãi 1,5 triệu đồng. Bà T. đồng ý trả lãi và vốn 3 triệu đồng. Thấy mẹ chạy xe về nhà, An dò hỏi và bức xúc khi Thạnh lấy lãi suất cắt cổ. Ngày 14-3, An đến nhà Thạnh để hỏi chuyện. Chủ DVCĐ nói ngang: "Tao lấy bao nhiêu là quyền của tao. Mày ra khỏi nhà tao. Không đi, tao lấy dao chém nứt sọ”. Tức giận, An chạy xe máy đến nhà Nguyễn Thanh Nhã (SN 1994), cũng là dân có "số má” hỏi mượn một cây kiếm rồi rủ cùng đi chém Thạnh.

Khi đến nhà, hai đối tượng phát hiện Thạnh đang đứng trước cửa, An cầm kiếm nhảy xuống xe. Hoảng sợ, Thạnh liền bỏ chạy. Lúc này, Nhã dùng 2 cục gạch đuổi theo đánh Thạnh. Thấy Thạnh bị ngã, An liền cầm cây kiếm xông đến chém. Dù cố bỏ chạy, nhưng Thạnh bị té xuống ao nước bất tỉnh. Được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên Thạnh qua cơn nguy kịch. Theo kết quả giám định, Thạnh bị thương tật vĩnh viễn 49%. Cơ quan công an bắt giữ An và Nhã ngay sau đó.

An và Nhã sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật nhưng cũng là bài học cho các DVCĐ. Trước giá trị tài sản cầm cố, các DVCĐ không cần xác minh nguồn gốc tài sản mà đồng ý cầm với giá rẻ, lãi suất cao nên tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. TAND TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) đã tuyên phạt bị cáo Trần Tuấn Cương (SN 1990) 7 năm 6 tháng tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù tội "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Phát hiện 116 môtô không nguồn gốc

Theo cáo trạng, ngày 31-3-2020, Cương ký hợp đồng thuê ôtô của chủ xe ở huyện Lai Vung, với giá 12 triệu đồng/tháng. Vì cần tiền tiêu xài, Cương liền thuê người làm giả giấy tờ để mang đến tiệm cầm đồ ở Sa Đéc, cầm cố lấy 300 triệu đồng. Có tiền, Cương đã bỏ trốn nhiều nơi. Đến tháng 9-2020, chủ xe kiểm tra thấy phương tiện đang ở tiệm cầm đồ nên trình báo công an. Bị bắt giữ, đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Nhiều xe máy không nguồn gốc

Thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn thành phố có sự che giấu, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ hiệu cầm đồ. "Thông thường sau khi lấy trộm được tài sản, các đối tượng thường tìm đến các tiệm cầm đồ bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản. Mặc dù biết tài sản đang cầm cố hoặc giao dịch mua, bán không rõ nguồn gốc, nhưng vì lợi nhuận cao nên các chủ cửa hàng vẫn lén lút thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật", một cán bộ Công an tỉnh An Giang cho biết. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau 3 tháng tổng kiểm tra DVCĐ trên địa bàn tỉnh An Giang, Công an phát hiện hàng ngàn phương tiện xe gắn máy đắt tiền cầm không rõ nguồn gốc.

Giấy tờ bà Vân thu giữ của người cầm cố

Chiều 20-7, Công an phường Bình Đức (TP.Long Xuyên) kiểm tra đột xuất cơ sở cầm đồ "Trung Hậu" (Ngọc Hân cũ, thuộc Tổ 11, khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, TP.Long Xuyên) do bà Lê Thị Thu Ba (SN 1949) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng tìm thấy trong kho và nhà của cơ sở cầm đồ có 119 chiếc môtô các loại (trong đó 9 chiếc cầm không giấy tờ chứng minh chủ sở hữu, 103 chiếc không chính chủ và 7 xe chính chủ). Công an phường Bình Đức đã lập biên bản tạm giữ 9 xe không giấy tờ và 103 giấy chứng nhận đăng ký xe cầm không chính chủ để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, Công an TP.Long Xuyên kiểm tra 2 kho của cơ sở cầm đồ "Vân" (khóm Bình Thới 2 và Bình Thới 3, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên), do bà Vũ Thị Vân (SN 1974) làm chủ, phát hiện 188 môtô các loại thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau được để ở tầng trệt và tầng lầu (trong đó 11 môtô không giấy tờ và 105 môtô có giấy tờ nhưng không có giấy chứng minh nhân dân của người mang đến cầm). Kiểm tra tiệm cầm đồ "Tuấn" khóm Đông Thạnh (P.Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang), Công an TP.Long Xuyên thu giữ 66 xe máy. Tại DVCĐ Nga (khóm Bình Thới 3, P.Bình Khánh, Long Xuyên) do bà Vũ Thị Nga (SN 1968) làm chủ, Tổ công tác phát hiện tại 2 kho có 159 môtô (trong đó 25 xe chính chủ, 119 xe không chính chủ, 14 xe có giấy nhưng không có giấy chứng minh nhân dân của người cầm, 1 xe không giấy tờ...). Kiểm tra DVCĐ các huyện Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn, TP.Châu Đốc..., công an đều phát hiện phương tiện cầm cố không rõ nguồn gốc.

Ở các vùng nông thôn, tình trạng cầm cố tài sản ngày càng nhiều. Các chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh mở cơ sở chui. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an huyện Gò Công Tây kiểm tra hộ ông Võ Văn Ngoan (ấp Bình Nhựt, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây), phát hiện Võ Hồng Thanh (con ông Ngoan) không có giấy chứng nhận kinh doanh nhưng đã thực hiện các thủ tục cầm cố một số môtô. Công an huyện Gò Công Tây lập biên bản vụ việc vi phạm, tạm giữ 8 xe các loại.

An (trái) và Nhã truy sát chủ cơ sở cầm đồ

Tăng cường kiểm tra

Hiện nay, do chưa có chế tài rõ ràng, đủ mạnh để khống chế đối với hoạt động cầm đồ nên DVCĐ "biến tướng". Để thu lợi nhuận khủng và để cho người cầm không có khả năng chuộc, chủ cơ sở tự đưa ra mức lãi suất rất cao, chỉ sau một thời gian ngắn số tiền lãi của những người đi cầm cố phải trả đã bằng trị giá của tài sản thế chấp. "Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản. Như vậy, nhiều cửa hàng cầm đồ đang hoạt động tiếp tay cho các đối tượng làm "tín dụng đen". Trong khi khả năng sinh lời từ kinh doanh DVCĐ rất cao, nhưng ràng buộc giữa người vay và chủ cầm đồ thường không được xử lý theo pháp luật. Cộng với đó là thái độ "nhắm mắt làm ngơ” của các chủ tiệm đã biến không ít điểm cầm đồ thành nơi tiêu thụ của kẻ gian, rất dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật", một luật sư cho biết.

Tuy nhiên, việc xử lý chủ DVCĐ tiêu thụ đồ gian quá nhẹ. Thực chất, hoạt động này là một dạng của "tín dụng đen". Do lãi suất cao nên chỉ sau một thời gian ngắn số tiền lãi của những người đi cầm cố phải trả đã bằng trị giá của tài sản thế chấp. Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản. Trong khi việc ký kết hợp đồng giữa hai bên chỉ là thỏa thuận, thủ tục rất đơn giản và thường không thể hiện trên hợp đồng nên khi xảy ra sự cố, người đi cầm tài sản dễ bị thiệt thòi nhất.

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ..., đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu. Cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản. Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015... Tăng cường tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các cơ sở kinh doanh không có đầy đủ các loại giấy tờ, kinh doanh nhưng không treo biển hiệu (cầm đồ không phép trá hình), cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, cầm cố tài sản với số lượng lớn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang