Thảo luận tại tổ TPHCM sáng nay (22/10), Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc gia hạn Nghị quyết 54 là để TPHCM tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới.
“Việc gia hạn nhằm đảm bảo không có khoảng trống chính sách” - Chủ tịch UBND TP nhìn nhận.
Đề cập đến dự thảo Nghị quyết mới, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, dự thảo phải toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn, với tinh thần phân cấp phân quyền, giải quyết các vướng mắc mà TPHCM đang gặp phải mà luật chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng chưa rõ ràng, chồng chéo.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Theo ông Phan Văn Mãi, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra nhiều điều sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, trong đó TP mất 1 năm đầu “loay hoay tìm kiếm giải pháp”, sự phối hợp để triển khai, tiếp đó lại mất thêm 2 năm dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, ông Mãi thừa nhận, điểm mấu chốt là sự chủ động, quyết liệt, đeo bám trong triển khai các chính sách đặc thù của TPHCM chưa đủ, nên khi mắc ở các bộ ngành là dừng lại. Trong khi đó, sự vào cuộc của các bộ ngành cũng chưa mạnh.
“Cần nhìn thấy rõ điều đó để nỗ lực hơn trong thời gian tới” - lãnh đạo chính quyền TPHCM nói.
Thời gian tới, nếu Quốc hội thông qua việc kéo dài thêm 1 năm thực hiện Nghị quyết 54, ông Mãi thông tin, chính sách nào đã làm tốt thì TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện, đồng thời rà soát, chọn nội dung trọng tâm để thực hiện, như các vấn đề tài sản công, các dự án đang triển khai… để bảo đảm thực hiện hiệu quả.
Trở lại với dự thảo Nghị quyết mới, ông Mãi cho biết thêm, dự thảo đề xuất 7 nhóm chính sách mới, gồm: cơ chế chính sách về đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy - biên chế, quản lý đô thị - đất đai, quản lý xã hội, cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức và một số cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế TPHCM…
“TP đề nghị những vấn đề mới, thực tiễn đang đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định thì cho TP thí điểm. Những gì có quy định chưa đầy đủ hoặc không còn phù hợp với thực tiễn TP, hoặc còn chồng chéo thì TP cũng xin thí điểm. Những gì mà các Bộ, ngành thấy cần thí điểm thì TP cũng xin thí điểm. Tinh thần là cơ chế đặc thù sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền cho TP rõ nét hơn” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Phiên thảo luận tại tổ TPHCM ngày 22/10
Hiện tại, TP đang hoàn thiện và xin ý kiến các bộ chuyên ngành đối với từng nội dung cụ thể, phấn đấu trong tháng 11 sẽ báo cáo lần đầu với Đảng đoàn Quốc hội, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để kịp trình tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội chứ không nhất thiết chờ đến kỳ họp cuối năm 2023.
“Tất nhiên, việc này phải đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định pháp luật” – ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm.
Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, Nghị quyết 54 đã tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TPHCM, giúp địa phương đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, theo ông Phớc, nhiều nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP còn chậm được thực hiện so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn.
Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, theo Bộ trưởng Phớc, cũng chưa phát huy được nhiều tác dụng.
“Cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, TPHCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế TPHCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết” - Bộ trưởng Tài chính phản ánh.
Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023. Trong thời gian này, TPHCM đánhg giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2021 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, báo cáo Bộ Chính trị cho phép TP thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới.