(CAO) Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sáng nay (21/10) đã trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tại tờ trình này, Chính phủ nhận định việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu kỷ luật hành chính là cần thiết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm đồng bộ giữa quy định Đảng với pháp luật về xử lý kỷ luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau.
Cụ thể, với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm, trong khi đó thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm. Đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 5 năm.
Sự khác nhau nói trên, theo bà Trà, khiến thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính, các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của luật.
“Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể” - bà Trà nói.
Để khắc phục vướng mắc trên, Chính phủ cho rằng cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định.
Sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
"Việc này để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan" - Bộ trưởng Trà báo cáo.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Thời hiệu 10 năm áp dụng với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức tại Luật cán bộ, công chức (Điều 80) và Luật viên chức (Điều 53) chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định mới về kỷ luật của Đảng, dẫn tới một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì hết thời hiệu theo quy định của Luật, do đó làm giảm tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm theo pháp luật của Nhà nước.
Tán thành với các đề xuất của Chính phủ, cơ quan thẩm tra cho rằng Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành sẽ giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước...
Trước đó, tại Quy định 69 về kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quy định rõ các nguyên tắc xử lý kỷ luật, trong đó nêu rõ, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.
Về thời hiệu kỷ luật, Quy định 69 nêu rõ, thời hiệu kỷ luật đối với đảng viên vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.