Làm rõ công tác điều hành giá xăng dầu để có giải pháp kịp thời, phù hợp

Thứ Năm, 20/10/2022 11:03

|

(CAO) Việc tăng giá xăng dầu, theo Uỷ ban Kinh tế, có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán…

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, trong bối cảnh thế giới, trong nước có những diễn biển mới, phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng 14/15 chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu.

Bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội

Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội.

“Điều này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo” – ông Vũ Hồng Thanh nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi kinh tế còn thấp khi cuối tháng 9 mới đạt hơn 20% tổng số vốn chương trình.

Trong số này, giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, khi hết tháng 8 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng trong gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022.

“Chính phủ cần báo cáo rõ nguyên nhân việc triển khai chậm các chính sách này, cân nhắc mở rộng đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất 2%” – Ủy ban Kinh tế yêu cầu.

Ghi nhận lạm phát được kiểm soát, song theo ông Thanh, giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, cơ quan thẩm tra đánh giá, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn

Nhắc tới một số vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

“Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng.

“Có ý kiến cho rằng việc điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư” – ông Thanh nói và đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

“Chính phủ cần bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát” - Uỷ ban Kinh tế nêu yêu cầu.

Uỷ ban này cũng đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao…

Bình luận (0)

Lên đầu trang