Đề nghị phía CHDC Congo bảo đảm đời sống cho người lao động Việt Nam

Thứ Năm, 20/10/2022 20:51

|

(CAO) Đại sứ quán đã kết nối với cộng đồng người Việt tại CHDC Congo để tạo điều kiện lưu trú tạm thời cho các lao động trong thời gian chờ đợi giải quyết các vướng mắc.

Thông tin này được đề cập đến tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay (20/10). Tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận được đề nghị cho biết tình hình lao động người Việt tại Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo).

Hồi âm, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm CHDC Congo và được biết là trong thời gian gần đây, Đại sứ quán có tiếp nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ, đưa về nước của công dân Việt Nam tại CHDC Congo do có những vướng mắc với chủ sử dụng lao động trong vấn đề bố trí việc làm, sinh hoạt, nợ lương…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Trước tình hình này, theo bà Hằng, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của CHDC Congo để cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan chức năng CHDC Congo bảo đảm đời sống cho người lao động Việt Nam.

Đại sứ quán cũng đã kết nối với cộng đồng người Việt tại CHDC Congo để tạo điều kiện lưu trú tạm thời cho công dân Việt Nam trong thời gian chờ giải quyết các vướng mắc, đồng thời khuyến cáo người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động đi làm việc tại nước này.

Đến thời điểm này, bà Hằng cập nhật, tình hình đã ổn định và được cải thiện hơn.

Vẫn theo người phát ngôn, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại làm việc với chủ sử dụng lao động để xử lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kịp thời có các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

“Một lần nữa, chúng tôi khuyến cáo công dân Việt Nam, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh bị lừa đảo hay bị môi giới lao động bất hợp pháp” – bà Hằng nhấn mạnh.

Khi có vấn đề phát sinh, người lao động cần liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân.

Trong trường hợp cần hỗ trợ, người lao động tại các nước trên có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

Địa chỉ: số 74 đường Houari Boumediene, quận Miramar, thủ đô Luanda, Angola.

Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn; sqvnangola@gmail.com.

Hoặc liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Bình, số hotline bảo hộ công dân +244 922 668 01.

Nhiều biện pháp hỗ trợ và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo

Liên quan đến thông tin lao động bất hợp pháp tại Campuchia, bị giam tại một resort giáp biên giới Thái Lan và bị ép lao động và có hiện tượng buôn bán người, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, ngay khi có thông tin, Bộ Ngoại đã liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang.

Theo đó, thời gian qua Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp với chính quyền địa phương của các tỉnh thuộc Campuchia, trong đó có Oddar Meancheay, Banteay Meanchey triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép tại khu vực biên giới Campuchia và Thái Lan.

Trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp và giải cứu, đưa về nước khoảng 100 công dân Việt Nam.

Từ khoảng cuối tháng 9/2022, qua công tác nắm tình hình, Tổng Lãnh sự quán cũng đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương, phối hợp giải cứu thêm được 171 công dân Việt Nam.

“Sau khi đưa được các lao động ra khỏi các cơ sở lao động trái phép, Tổng Lãnh sự quán cũng đã cử cán bộ trực tiếp đến gặp, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, như hỗ trợ nhu yếu phẩm và hoàn tất các thủ tục để đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất” – bà Hằng nói.

Ở trong nước, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng và các địa phương trong nước để sớm xác minh nhân thân và phối hợp tiếp nhận công dân từ Campuchia.

Tới đây, theo bà Hằng, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia, trong đó có Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang sẽ tiếp tục phối hợp và làm việc với các cơ quan chức năng của Campuchia đề nghị tăng cường việc rà soát, truy quét tại các khu vực trên để tìm kiếm, giải cứu thêm công dân Việt Nam nếu có, đồng thời sẽ triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

Chú trọng công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt tại Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình tại Ukraine và rất chú trọng công tác bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại khu vực này.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trước tình hình xung đột tại Ukraine có những diễn biến phức tạp và khó lường hơn trước, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình, cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24h, tiếp nhận thông tin và kịp thời hỗ trợ bà con; trao đổi, đề nghị với các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine.

Theo Đại sứ quán, hiện còn khoảng 500 người Việt Nam tại Ukraine và chưa ghi nhận có thương vong nào kể từ các diễn biến phức tạp gần đây.

Ngày 18/10/2022 vừa qua, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã ra khuyến cáo, đề nghị công dân giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, sẵn sàng các phương án giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có việc sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa các khu vực nguy hiểm; liên lạc ngay với các cơ quan chức năng qua đường dây nóng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự cũng như của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Ukraine và tại các nước lân cận.

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến xung quanh xung đột Nga-Ukraine.

“Một lần nữa, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đồng thời Việt Nam mong rằng tính mạng, tài sản của người dân ở đây, trong đó có công dân Việt Nam, phải được đảm bảo," bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.

'ASEAN-Trung Quốc muốn sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông'

Nêu quan điểm về việc ngày 18/10, Tổng Thư ký ASEAN cho biết ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên và đang tiến tới bản dự thảo thứ hai của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết từ ngày 1-3/10 vừa qua, tại Campuchia, đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 37 Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tại cuộc họp này, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành trao đổi về tình hình Biển Đông, việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm ASEAN và Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sớm thông qua một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang