Thống nhất trình Quốc hội gia hạn thí điểm cơ chế chính sách, đặc thù cho TPHCM

Thứ Tư, 12/10/2022 10:34

|

(CAO) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, phân tích tác động cụ thể của từng chính sách, chỉ rõ nguyên nhân một số chính sách, cơ chế chưa thực hiện hiệu quả.

Giúp TPHCM khai thác tốt nguồn lực để phát triển

Trong phiên họp sáng nay (12/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Theo báo cáo gửi đến phiên họp, Chính phủ đề nghị cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thêm 1 năm đến hết ngày 31/12/2023.

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nếu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì “phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 là cần thiết”.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra

Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với đánh giá cho rằng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên các chính sách triển khai chậm, hiệu quả đạt được chưa cao và chưa thực sự tạo cú hích phát triển như kỳ vọng.

Trong bối cảnh Chính phủ chưa đề xuất các cơ chế, chính sách mới, theo ông Thanh, việc đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 là phù hợp để TPHCM khai thác các chính sách cần thiết để phát triển.

“Đề nghị TPHCM phải quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách mới đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp” – ông Thanh đề nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến

Dẫn báo cáo đánh giá hạn chế, bất cập khi thực hiện chính sách đất đai, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế yêu cầu làm rõ vướng ở đâu, thẩm quyền hay quy trình, thủ tục để các bộ ngành hỗ trợ “đánh trúng điểm nghẽn”, giúp TPHCM khai thác tốt nguồn lực để phát triển.

Lưu ý mục đích thí điểm là để thấy chính sách nào phù hợp thì luật hoá chứ không phải thí điểm mãi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để vấn đề nào chính thì đưa luôn vào luật, đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi).

Nghị quyết có nhưng thực hiện không đơn giản

Tiếp thu sau đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ “có những việc thành phố muốn làm lắm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó không mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều”.

Cho rằng có những việc Nghị quyết đã cho nhưng thực hiện không phải đơn giản, ông Võ Văn Hoan dẫn chứng vấn đề thu hồi đất lúa trên 10ha và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000 để thực hiện dự án thì lại vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư.

Hoặc khi cổ phần hoá, theo ông Hoan, khi có phương án phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất nên không làm được. Hay tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố, thì “các anh chị cũng chưa sắp xếp nên không có cơ hội để thành phố triển khai”.

Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hiện thành phố đã chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới báo cáo Chính phủ trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ nhà nước.

“Ví dụ, dự thảo Nghị quyết mới mở ra cơ chế huy động nguồn lực bên ngoài của tư nhân. Đặc biệt, Luật PPP, Luật đầu tư ràng buộc, rất khó để thực hiện nhưng kỳ này TP sẽ kiến nghị để Quốc hội xem xét cho ý kiến” – ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu

Phân tích thêm, ông Hoan cho biết, Luật PPP không cho lĩnh vực văn hoá, thể thao được xã hội hoá. Điều này rất khó trong thực hiện, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, nếu không huy động các nguồn lực để đầu tư các cơ sở vật chất về văn hoá, thể thao tầm cỡ thì chắc chắn nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện.

“TPHCM mong muốn Quốc hội cho phép thành phố thực hiện Luật PPP với hai lĩnh vực này” - Phó Chủ tịch TPHCM nêu ý kiến.

Tương tự, theo Luật Đầu tư, các khu đô thị lớn, hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ chung công cộng như trường học, bệnh viện, công viên..., phần lớn đều giao lại cho nhà nước, nhưng nhà nước không có tiền để làm trong khi các chủ đầu tư muốn làm.

“Luật Đầu tư công cũng bị vướng. Dự thảo Nghị quyết mới kiến nghị để các chủ đầu tư bỏ vốn triển khai thực hiện dự án, trước hết là phục vụ cho họ, sau đó là phục vụ cho cộng đồng dân cư của thành phố” – ông Hoan phân tích.

Lãnh đạo TPHCM khẳng định, thành phố rất cố gắng làm, làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho TP phát triển, có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4 tới đây.

Bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân, việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.

Cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, phân tích tác động cụ thể của từng chính sách, đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân một số chính sách, cơ chế chưa thực hiện hiệu quả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang