Tình trạng thổi giá, sốt ảo BĐS ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản

Thứ Ba, 11/10/2022 09:38

|

(CAO) Chính phủ nhận định thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá, gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Trong phiên họp sáng nay (11/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kinh tế xã hội, dự toán ngân sách năm 2022 và kế hoạch 2023.

Gửi báo cáo tới phiên họp, Chính phủ nhìn nhận các thị trường vốn, bất động sản vừa qua phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rủi ro, khó khăn.

Tín dụng bất động sản, thị trường chứng khoán gần đây biến động lớn, các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tại một số tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Chính phủ cũng nhận định thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá, gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

“Cấp tín dụng với bất động sản là đầu tư dài hạn, nhưng vốn huy động được chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng” – báo cáo nêu.

Đáng chú ý, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản những năm gần đây có xu hướng tăng dần. Việc thị trường doanh nghiệp vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực, theo Chính phủ, dẫn đến việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện thị trường có 440 mã trái phiếu niêm yết, quy mô giao dịch bình quân 9 tháng khoảng 7.000 tỷ đồng một phiên, tăng gần 14% so với tháng 8. Giá trị giao dịch bình quân 9 tháng là 9.250 tỷ đồng một phiên, giảm gần 19% so với bình quân 2021.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, song biến động và tiềm ẩn rủi ro.

Theo cơ quan thẩm tra, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao.

“Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch” – Uỷ ban Kinh tế lưu ý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của cơ quan thẩm tra

Dẫn chứng vụ Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức liên quan cùng những vụ việc khác liên quan tới thị trường trái phiếu, chứng khoán…, Uỷ ban Kinh tế cho rằng tình trạng này đã gây nhiều hệ luỵ với phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

“Có ý kiến thuộc Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra sự việc như vậy” – ông Thanh nói.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng, để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.

Đề cập đến thị trường bất động sản, Uỷ ban Kinh tế lo ngại tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.

Một số ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế cho rằng, điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

“Cần nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế” - báo cáo thẩm tra Uỷ ban Kinh tế yêu cầu.

Sau sự việc Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt cùng 3 người khác với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí về sự việc này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hôm qua (10/10) khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Theo ông Phớc, khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật, Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành - bên phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

"Họ đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang