Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương...
Phát biểu khai mạc tại hội nghị và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Thông điệp của Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thống nhất lấy Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của ngành Công an.
Đại tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp công an từ Bộ đến công an các địa phương; ban hành chương trình chuyển đổi số trong Công an nhân dân (CAND) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm để thống nhất triển khai thực hiện trong toàn lực lượng CAND. Năm 2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đặt ra 7 nhóm lĩnh vực công tác với 32 nhiệm vụ cụ thể; kết quả thực hiện trong 9 tháng năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và CCCD; cung cấp Dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin điện tử của ngành Công an và các bộ, ngành, địa phương....
Đặc biệt, trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và CCCD, lực lượng Công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt... và trong thời gian tới sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ đời sống của người dân, góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an công bố lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số của ngành Công an Ảnh: P.K
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an công bố quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an. Theo đó, thành viên ban chỉ đạo gồm: Đại tướng Tô Lâm - Trưởng ban chỉ đạo; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó trưởng ban Thường trực; các Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang, Lê Quốc Hùng, Lê Văn Tuyến, Nguyễn Văn Long là Phó trưởng ban và 12 ủy viên Ban chỉ đạo.
Cung cấp 6 tiện ích cho xã hội
Thông tin về kết quả thực hiện việc chuyển đổi số 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, lực lượng công an đã đạt được 4 kết quả nổi bật. Đầu tiên, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử và đang tích cực tham mưu với Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung 19 Nghị định có liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.
Hai là, Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương và kiến nghị các giải pháp bảo đảm kết nối an toàn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ba là, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 192/227 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Công an.
Bốn là, toàn lực lượng CAND tiếp tục rà soát bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và cấp CCCD gắn chíp điện tử cho công dân đạt 89,6%. Đồng thời đưa vào hoạt động hệ thống định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin thiết yếu của người dân trong CCCD gắn chíp, ứng dụng VneID...
Thử tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày tại hội nghị
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, đến thời điểm này, ngành Công an đã cung cấp 6 tiện ích cho xã hội, gồm: Sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công; Sử dụng thẻ CCCD, VNeID thay thế cho Thẻ bảo hiểm xã hội; Sử dụng Thẻ CCCD thay thế Thẻ ATM; Chấm điểm tín dụng phục vụ cho vay tín chấp; Kết nối với Hợp đồng điện tử xác thực phục vụ thu thuế và truy thu thuế; Làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động.
Năm 2023 ngành công an cung cấp các dịch vụ, tiện ích gồm: Tích hợp tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia để công dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Sử dụng VNeID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, tài khoản sàn giao dịch điện tử...; Cấp tài khoản định danh cho tổ chức và người nước ngoài; thực hiện bỏ phiếu, bầu cử điện tử, khảo sát, lấy ý kiến người dân...
Quyết liệt hành động, tiên phong, trong quá trình chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: chuyển đổi số là xu thế tất yếu, được xác định là yêu cầu bắt buộc để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển và thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương góp phần nâng cao vị thế, vai trò của lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay. Bộ Công an đã quyết liệt hành động, khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt và quyết tâm chính trị trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý dân cư, đặc biệt thể hiện qua việc triển khai Đề án 06.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những hạn chế, thách thức trong công cuộc chuyển đổi số ngành công an: Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cần đẩy mạnh hơn nữa; Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: chỗ nào liên thông được, kết nối được không những thúc đẩy công việc suôn sẻ hơn, đỡ phiền hà cho người dân, mà còn khắc phục được hạn chế, yếu kém là khi thực hiện thủ tục hành chính thường xảy ra những việc tiêu cực. Nếu chúng ta giải quyết việc này trên môi trường số sẽ hạn chế được những tiêu cực rất nhiều.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó. Với ngành Công an, cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trọng tâm là: Ứng dụng hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phục vụ các dịch vụ định danh và xác thực điện tử cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận. Các dịch vụ hành chính công của ngành Công an là những dịch vụ rất gần gũi, sát thực với người dân. Mặt khác, ngành Công an cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành Công an. Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các quốc gia tiên tiến để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số ngành Công an, tạo sự lan tỏa góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số, xã hội số.
Quang cảnh điểm cầu Công an TPHCM