TPHCM: Ghi nhận 121 cửa hàng tạm hết xăng dầu, một số nơi có hàng trở lại

Thứ Hai, 10/10/2022 20:11

|

(CAO) Tối 10/10, tin từ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, qua kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP tạm ngưng bán hàng do hết xăng, đến 17 giờ cùng ngày ghi nhận có 121 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu.

Về nguyên nhân chính của 121 cửa hàng hết xăng do đã đặt xăng nhưng phía đơn vị cung cấp chưa phản hồi hoặc chưa thông tin về thời gian giao hàng.

Các cửa hàng hết xăng nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức và 17/21 quận, huyện; trong đó Quận 12 có 17 cửa hàng, TP.Thủ Đức 21 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi có 14 cửa hàng tạm hết xăng.

Một cây xăng ở TP.Thủ Đức để biển "Hết xăng còn dầu"

Hiện TP có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngoài 121 cửa hàng bán lẻ tạm hết xăng, có 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động.

Hiện đã có 9 cửa hàng thông báo đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Trong số đó có 3 cửa hàng ở quận Bình Thạnh và 4 ở TP.Thủ Đức.

Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn tương đối ổn định, tuy nhiên tình hình thiếu nguồn xăng cục bộ dẫn đến phát sinh một số cửa hàng không còn xăng để bán. Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.

TPHCM kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu

Ngày 10/10, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn; trong đó, kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, UBND TPHCM đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

Cùng với đó, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

TPHCM cho biết, đã nhận được các văn bản báo cáo, đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tình hình nguồn cung và kinh doanh bán lẻ xăng dầu của hệ thống phân phối.

Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực, giải pháp khắc phục khó khăn để duy trì nguồn cung cho hệ thống, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Tuy nhiên, với những khó khăn do tình hình chung hiện nay, có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì bị thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối; đồng thời, một số lý do khách quan (ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu có gián đoạn...) dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

UBND TP cũng nhận thấy, hiện giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang