(CAO) Dự thảo ban đầu được xây dựng với 5 chính sách, trong đó quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen) trong kho biển số chưa được đăng ký.
Tiếp tục phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/10, thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Dự thảo ban đầu được xây dựng với 5 chính sách, trong đó quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen) trong kho biển số chưa được đăng ký. Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày tờ trình
Dự thảo cũng quy định về đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá; về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe và quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá. Nguồn thu này, sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, tại Thông báo 1484/TB-TTKQH ngày 26-9-2022 thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị của Chính phủ đã kết luận “các khoản thu từ đấu giá thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước Trung ương hưởng 100% theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Do đó, Bộ Công an đã tiếp thu và chỉnh sửa chính sách này theo hướng, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương.
Như vậy, so với quy định hiện hành, chính sách này không trái với Luật Ngân sách Nhà nước 2015 nên Bộ Công an đề xuất quy định tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nhận định, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Việc này, theo ông Tới, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.
Tuy nhiên, do đây là chính sách mới, có nhiều điểm khác với quy định của một số luật hiện hành, theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định.
Nêu ý kiến của Thường trực Uỷ ban, ông Tới bày tỏ sự nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy vì nếu mở rộng thì số lượng trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2.
Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ (40 triệu, 20 triệu), Thường trực UBQPAN đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá…
Nếu được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp, Nghị quyết sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian 3 năm.
Theo tờ trình, giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá được xác định là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số. Cụ thể, với vùng 1 (Hà Nội, TPHCM), mức khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) có mức 20 triệu đồng.
Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được quy định trong dự thảo theo hướng xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm.
Theo đó, người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển số ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức.
Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.
Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.