Công an huyện Bình Chánh mở cao điểm nước rút
CAH.Bình Chánh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hoàn thành 100% việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, kết hợp cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trong độ tuổi đủ điều kiện đang cư trú trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là cấp mới cho 7.118 trường hợp chưa được cấp CCCD gắn chíp điện tử.
Trung tá Nguyễn Ngọc Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) CAH.Bình Chánh, cho biết: việc triển khai thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn huyện bắt đầu từ ngày 08/5 đến hết ngày 31/5/2023. Đối tượng thực hiện là những công dân trong độ tuổi quy định, hiện đang cư trú trên địa bàn nhưng chưa làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp, hoặc đã đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 nhưng chưa kích hoạt.
Trong những ngày qua, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH của CA huyện cùng CA 16 xã, thị trấn, đã tiến hành điều tra cơ bản với phương châm "đi từng nhà” "rà từng người", hướng dẫn người dân đã đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 thực hiện việc kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 thông qua ứng dụng VNeID.
Qua đó, góp phần tuyên truyền tiện ích của CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID nói riêng và lợi ích Đề án 06 nói chung đến với người dân. Bố trí lực lượng, phương tiện, tăng cường CBCS từng tham gia các chiến dịch cấp CCCD trước đây, trang thiết bị phương tiện như: máy tính, máy in, máy chụp ảnh/webcam, máy lăn tay... tại các điểm cấp CCCD cố định trên địa bàn nhằm phục vụ tốt nhất cho công dân, cũng như giảm tải áp lực tại trụ sở chính của đơn vị. Việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, kết hợp cấp tài khoản định danh điện tử bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng đối tượng, thời gian, phương án đề ra.
Người lớn tuổi được CBCS Công an quận Tân Bình tới tận nhà làm CCCD
Căn cứ danh sách do Cục C06 lập, đợt cao điểm này, CAH.Bình Chánh sẽ cấp mới CCCD gắn chíp điện tử cho 7.118 trường hợp. Trong số này, có 3.560 trường hợp thường trú và 3.558 trường hợp tạm trú. Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CA huyện tiến hành đối chiếu với danh sách các chỉ tiêu làm sạch còn tồn của CA các đơn vị, sau đó, phân loại và gửi các loại danh sách cho CA các xã - thị trấn triển khai thực hiện.
Đối với các trường hợp không thể thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử do yếu tố khách quan như: chết, mất tích, xuất cảnh, chấp hành án phạt tù, chấp hành các quyết định chữa bệnh bắt buộc, đi nghĩa vụ quân sự, vắng mặt địa phương không rõ nơi đến..., các đơn vị tiến hành thu thập tài liệu, cập nhật biến động trên hệ thống Cơ sở dữ liệu và dân cư để tập hợp báo cáo CATP.
Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn, trong đợt cao điểm cấp mới CCCD lần này, ngoài địa điểm chính là trụ sở Đội Cảnh sát QLHC về TTXH ở địa chỉ số 8, đường số 2, KP3, Thị trấn Tân Túc, CAH.Bình Chánh còn tổ chức 8 tổ cấp CCCD lưu động tại các xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A, Tân Nhựt, Tân Quý Tây, Hưng Long, Phong Phú, Bình Hưng. Đặc biệt, sẽ có tổ cấp CCCD lưu động làm tận nhà dân để phục vụ cho người già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn..., không thể đến các điểm cấp CCCD cố định để làm thủ tục. Thời gian làm việc từ 7 giờ 30 đến 22 giờ mỗi ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân.
Công an Quận 1 phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra
Một ngày giữa tháng 5/2023, chúng tôi đến trụ sở CAQ1 (TPHCM), hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh CBCS của đơn vị đang khẩn trương hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục cấp CCCD gắn chíp. Chị Quỳnh Hoa (SN 1989, ngụ Q1) bày tỏ niềm vui khi được CBCS CAQ hướng dẫn tận tình, giải quyết thủ tục nhanh gọn. Chị đi nước ngoài mới về 2 tuần trước, chị được cảnh sát khu vực tới thông báo về việc làm CCCD gắn chíp và hướng dẫn chị đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ CA để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục. "Nhờ được hướng dẫn kỹ càng nên tôi tới làm CCCD rất nhanh chóng, thuận tiện. Chưa tới 20 phút, cán bộ CAQ đã giúp tôi điền đầy đủ thông tin, lăn tay, chụp ảnh... hoàn thành thủ tục để chờ ngày lấy CCCD", chị Quỳnh Hoa chia sẻ.
Tương tự, ông Đào Quang Vũ (SN 1968, ngụ Q1) cho biết, nhờ chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn nên khi đến nơi làm CCCD, ông không bị lúng túng hay phải đi lại bổ sung nhiều lần. Lãnh đạo Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAQ1cho biết, để phục vụ người dân tốt nhất trong việc làm CCCD gắn chíp, đơn vị chia 2 ca (mỗi ca có 5 cán bộ) trực tiếp cấp ở trụ sở. Cán bộ làm từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật.
Ban ngày, người dân tới làm tương đối đông. Sau 18 giờ, người đến làm CCCD gắn chíp chủ yếu là người đi làm ở các cơ quan, doanh nghiệp không sắp xếp được thời gian. Vì thế, CAQ bố trí thêm 2 điểm máy tại CA phường để người dân thuận lợi di chuyển đến làm CCCD gắn chíp.
Người dân đi làm CCCD ở huyện Bình Chánh
Tới tận nhà "phục vụ” người già yếu có CCCD gắn chíp
Để hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ, cấp CCCD gắn chip trước ngày 31/5/2023, CA các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã thực hiện đồng loạt các giải pháp. Trong đó, mạng xã hội như Zalo, Facebook được các đơn vị ứng dụng và khai thác hiệu quả. Người dân chỉ cần theo dõi các trang của CA các đơn vị ở TPHCM. Những trang này được tích hợp trả lời tự động, người dân chọn thông tin muốn tìm hiểu, trên zalo, facebook sẽ tự động trả về kết quả tương ứng. Các thông tin được cung cấp đầy đủ và chi tiết như đối tượng cần làm CCCD, hồ sơ cần chuẩn bị, quy định về trang phục, thời gian, địa điểm, lệ phí...
Để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao là thu nhận 7.700 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn đến hết ngày 31/5, CAQ.Tân Bình đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp như: bố trí 22 điểm cấp CCCD cố định ở trụ sở CAQ, trụ sở UBND quận; nhiều tổ cấp CCCD lưu động vừa luân phiên đặt ở trụ sở CA các phường, vừa đi đến tận nơi, tận nhà để phục vụ người dân có hoàn cảnh cảnh khó khăn không thể đi đến các điểm cấp CCCD cố định để làm thủ tục... Chị Dung (ngụ P4, Q.Tân Bình) chia sẻ, mẹ chị già yếu, không thể di chuyển tới trụ sở để làm CCCD nhưng CBCS CAQ.Tân Bình đã tới tận nhà để cấp CCCD cho bà. Gia đình chị hết sức cảm động: "Tôi thấy thái độ của các anh CA tới nhà cấp CCCD cho mẹ tôi rất vui vẻ, thân thiện, như là người trong gia đình vậy", chị Dung nói.
Thiếu tá Võ Thành Công, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAQ.Tân Bình cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ thành lập thêm 1 tổ cấp CCCD lưu động nữa để thực hiện cấp tại nhà cho những trường hợp nhân khẩu đi vắng, đang ở quận, huyện khác mà không có khả năng đi lại. Tinh thần CBCS quyết tâm hết sức để thực hiện theo chỉ đạo của Bộ CA, CATPHCM về việc cấp CCCD cho người dân.
Về mô hình thông báo lưu trú trực tuyến tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, đã có 4.219 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú được cấp tài khoản và thực hiện thông báo lưu trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Mô hình điểm về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến có 149 điểm tại các khu chung cư, 117 điểm tại các nhà văn hóa, 1.806 địa điểm tại các trụ sở tiếp công dân.
Ngoài ra, CATP còn triển khai mô hình điểm thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại một số bệnh viện và khách sạn đạt hiệu quả ban đầu rất khả quan. Kết thúc 1 tháng triền khai thí điểm, nhân rộng thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại 5 cơ sở kinh doanh và cơ sở y tế trên địa bàn TP, gồm: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Q.4, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, khách sạn Bros, khách sạn Happy Life, CATP cho biết đã thu được những kết quả ban đầu khả quan, như: Cơ bản bảo đảm theo yêu cầu đề ra, nhân viên thực hiện các thao tác thuần thục trên phần mềm đã rút ngắn thời gian so với việc thực hiện thủ công trước đây; công tác cập nhật, quản lý, khai thác và thống kê được thuận lợi, tạo điều kiện cho việc cung cấp, báo cáo số liệu.
Việc truyền dữ liệu đối với các trường hợp thông báo lưu trú về CA địa phương phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nắm tình hình, quản lý nhân hộ khầu và quản lý đối tượng... góp phần bảo đảm tình hình ANTT trên địa bàn TP nói chung và tại các cơ sở lưu trú, y tế nói riêng. Phần mềm có giao diện dễ hiểu, dễ thao tác nên thuận lợi cho lực lượng CA địa phương trong việc hướng dẫn nhân viên sử dụng.
Tuy nhiên, do phần mềm đang trong thời gian chạy thí điểm nên còn tồn tại một số bất cập như: công dân sử dụng giấy CMND 9 hoặc 12 số, CCCD mã vạch, hộ chiếu... không thể sử dụng máy quét thẻ mà phải thực hiện bằng phương pháp thủ công (nhập tay vào phần mềm ASM); đối với cơ sở y tế, phần mềm không có chức năng thống kê theo khoa, phòng, ngày hoặc một khoảng thời gian cụ thể mà chỉ thống kê tổng số người lưu trú tại cơ sở. Phần mềm lưu trữ cũng chỉ áp dụng được với công dân Việt Nam, không áp dụng được với khách nước ngoài lưu trú; việc truyền dữ liệu có những lúc bị trễ thời gian so với thực tế...
Để khắc phục các mặt hạn chế còn tồn tại, CATP đã có kiến nghị gửi Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, đề xuất bổ sung, chỉnh sửa một số tính năng trong phần mềm để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhân khẩu tại các cơ sở. Dự kiến từ ngày 01/6/2023, TPHCM sẽ triển khai ứng dụng ASM trên địa bàn toàn TP.
(Còn tiếp...)
(CATP) Đây là đợt về đích cuối cùng của công tác cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử tại TPHCM. Hiện Công an (CA) các địa phương trên địa bàn TPHCM đang dồn sức đẩy nhanh dự án về đích trước ngày 31/5.
Tấn Chính - Duy Ngọc - Anh Thy