TP.Hồ Chí Minh tổng lực hoàn thành cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân:

Bài 1: Hướng tới Chính phủ điện tử

Thứ Ba, 16/05/2023 08:32

|

(CATP) Đây là đợt về đích cuối cùng của công tác cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử tại TPHCM. Hiện Công an (CA) các địa phương trên địa bàn TPHCM đang dồn sức đẩy nhanh dự án về đích trước ngày 31/5.

Công an TPHCM đang mở đợt cao điểm nước rút làm CCCD gắn chíp điện tử từ nay đến hết ngày 31/5/2023 cho tất cả những CD đủ điều kiện và từ 14 tuổi trở lên, đến nay chưa đi làm CCCD. Sau khi làm CCCD gắn chíp, CD thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử trên Cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất toàn quốc, cũng như tích hợp nhiều loại giấy tờ... Đây là vấn đề quan trọng, thiết thực, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định.

Thực hiện thắng lợi cao điểm nước rút

CA các quận, huyện, TP.Thủ Đức (TPHCM) đang quyết liệt triển khai thực hiện cao điểm nước rút thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp đối với những trường hợp công dân thường trú và tạm trú trên địa bàn đủ điều kiện nhưng đến nay chưa đi làm CCCD gắn chíp, cũng như các CD từ 14 tuổi trở lên. Theo CAQ.3, trong đợt cao điểm từ nay đến hết ngày 31/5/2023, CBCS làm việc xuyên suốt các ngày trong tuần (cả thứ Bảy và Chủ Nhật).

Chuyên đề CA TPHCM khởi đăng loạt bài về các quy định pháp luật, tầm quan trọng và lợi ích của việc công dân (CD) dùng CCCD gắn chíp điện tử, nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu CCCD thống nhất trên toàn quốc, giúp việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho CD khi thực hiện những thủ tục và các giao dịch dân sự, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, phù hợp với xu thế nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, ngoài giờ hành chính, CBCS còn làm thêm thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ tối, nhằm phục vụ bà con nhân dân. CAQ.3 cũng lưu ý CD khi đi làm CCCD gắn chíp điện tử, cần mang theo Thông báo số định danh cá nhân hoặc thông tin CD trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do CAP nơi CD cư trú hoặc nơi tạm trú cấp), mang theo CMND 9/12 số, thẻ CCCD mã vạch (nếu còn) và bản sao Giấy khai sinh.

Thiếu tá Bùi Hữu Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAQ.3 cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ CA, CA TPHCM, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho mọi CD đang theo học, là thực tập sinh, sinh viên, người sống và làm việc hay đi công tác trên địa bàn nếu thấy thuận tiện thì ghé trụ sở để làm CCCD gắn chíp, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Trong thời gian đợt cao điểm nước rút này, trung bình hơn 100 trường hợp/ngày đến làm CCCD gắn chíp. Ngoài ra có thêm 1 tổ lưu động gồm CBCS đến tận nhà giúp người già, bệnh tật, di chuyển khó khăn để thực hiện làm CCCD gắn chíp cho bà con".

CBCS CA tận tụy với công việc trong đợt cao điểm nước rút cấp CCCD tại TPHCM

Hiện nay, CD đăng ký hồ sơ định danh điện tử thì cần có số điện thoại chính chủ, bản chính và bản photo những giấy tờ (nếu có) như BHXH, BHYT, giấy phép lái xe... để tích hợp vào hệ thống. Ngoài ra, lực lượng CA cũng lưu ý CD khi đi làm CCCD, cần mặc trang phục lịch sự, không mặc quân phục hoặc trang phục đặc thù có cấp hàm, phù hiệu. Trường hợp già yếu, bệnh, không có khả năng đi lại thì người thân trong gia đình có thể liên hệ CAP nơi đang cư trú để được hướng dẫn, hỗ trợ. Hiện nay, CA TPHCM đang nỗ lực triển khai, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM... về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

CA TPHCM cho biết, hiện đang triển khai thực hiện kế hoạch nhằm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 14/04/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh, triển khai quyết liệt, thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTgngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để đạt được các mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nghiên cứu, ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VNelD và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày càng hoàn thiệt tốt nhất. Tích hợp các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ của CD. Trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy (đã bãi bỏ từ ngày 01-01-2023). Đẩy mạnh cung cấp, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Cụ thể, các nội dung thực hiện Kế hoạch bao gồm: Ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Đề án 06 để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện, rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Cụ thể như cần khẩn trương thực hiện cấp "Giấy khai sinh điện tử", trích lục khai tử điện tử trên Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, rà soát, đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Rà soát, đánh giá và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn. Lựa chọn những nhóm TTHC gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả, thay đổi tư duy từ "làm thay, làm hộ" sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật...). Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tộc thiểu số, các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

Tổ lưu động CAQ3 đến tận nhà giúp người dân có hoàn cảnh di chuyển khó khăn làm CCCD

Tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến không xảy ra chậm, muộn

Việc đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải quyết TTHC, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định.

Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động, nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. Quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC không yêu cầu người dân phải xuất trình những giấy tờ như trước đây.

Bên cạnh đó, cần rà soát, kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và chỉ đạo triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa trong toàn quốc thống nhất, hiệu quả.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang