TPHCM: Cảnh sát khu vực mang CCCD gắn chíp trao tận tay người dân

Thứ Ba, 27/09/2022 11:28

|

(CATP) Nhằm tiến tới hoàn tất đợt cao điểm về thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho đến hết ngày 30-9-2022, công an (CA) các quận huyện, phường, xã và TP.Thủ Đức, Công an TPHCM đang khẩn trương tiến hành các thủ tục cấp CCCD gắn chíp cho công dân (CD). Bên cạnh đó, nổi lên là sự nhiệt tình hỗ trợ của các bảo vệ dân phố (BVDP) cùng lực lượng cảnh sát khu vực (CSKV) mang trao tận tay người dân thẻ CCCD gắn chíp.

Giao CCCD gắn chíp cho dân vào ngày nghỉ cuối tuần

Chủ nhật 25-9-2022, anh Nguyễn Chí Tân - BVDP ở P9Q3, TPHCM - đã nhiệt tình phối hợp với CSKV, CA địa phương đến từng hộ gia đình, gõ cửa từng nhà hoặc dùng điện thoại gọi báo tin cho những trường hợp đi vắng để thu xếp thời gian nhận thẻ CCCD gắn chíp.

Mặc dù là ngày nghỉ, trong khi trời đang mưa, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng cán bộ chiến sĩ (CBCS) CA phường và CSKV, anh Tân đã nhận hơn 20 thẻ CCCD gắn chíp, sau đó đến từng hộ trao tận tay bà con, khiến người dân rất cảm kích.

Ông Phùng Chí Hải (ở địa phương) cho biết: "Chủ nhật là ngày nghỉ, tôi tranh thủ chăm sóc cây kiểng trên sân thượng thì nhận được điện thoại của anh Tân gọi báo xuống nhà nhận thẻ CCCD gắn chíp. Càng xúc động hơn khi dù trời đang mưa nhưng không quản ngại vất vả, anh Tân đã cùng CSKV mang thẻ CCCD gắn chíp đến từng gia đình trong khu phố để trao tận tay người dân, rất đáng trân trọng".

Cũng theo ông Hải, trước đây do công việc bận rộn, ông chưa kịp làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp theo quy định, CSKV và anh Tân từng đến tận nhà trao giấy mời của CA phường để ông sớm làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp. Đến trụ sở CAQ3, chỉ trong vài phút lăn chỉ tay, chụp ảnh... đã xong và sau thời gian ngắn, ông được CSKV, BVDP mang thẻ CCCD gắn chíp trao tận tay tại nhà quả là điều rất ấm lòng đối với người dân.

Công an TPHCM đến tận nhà thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho người dân

Sắp bỏ sổ hộ khẩu, cần khẩn trương đi làm CCCD gắn chíp

Như Chuyên đề Công an TPHCM đã phản ánh, nhằm thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), tiến tới bãi bỏ quy định về yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu (SHK) trong giao dịch TTHC của CD, đến ngày 31-12-2022 là hết thời hiệu SHK giấy, kể từ 01-01-2023 là nền tảng trong phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025. Công dân không phải xuất trình SHK là chủ trương được người dân ủng hộ, bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy việc phải có SHK mới giải quyết được giao dịch TTHC từng gây không ít phiền hà, khó khăn cho người dân.

Tuy nhiên, để thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ về Đề án 06, khối lượng công việc cần phải gấp rút triển khai không hề nhỏ, liên quan đến việc rà soát, sửa đổi các quy định, quy trình, TTHC trước đây, đề ra các phương án thay thế SHK trong xác minh thông tin cư trú, đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước phục vụ việc điện tử hóa xác minh thông tin của người dân. Do vậy, CD nào chưa tiến hành thủ tục cấp CCCD gắn chíp, đăng ký tài khoản định danh điện tử nên sớm đến CA địa phương thực hiện.

Theo Công an TPHCM, quy định tại khoản 3 điều 38 Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 01-7-2021 Luật Cư trú có hiệu lực, SHK, sổ tạm trú (STT) đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.

Như vậy, kể từ ngày 01-01-2023, SHK, STT bằng giấy sẽ hết giá trị sử dụng và không được xem là giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật Cư trú. Khi giải quyết các giao dịch, TTHC cho CD, cơ quan có thẩm quyền không được yêu cầu phải xuất trình SHK để chứng minh về thông tin cá nhân của CD và thông tin nơi thường trú của cá nhân, hộ gia đình.

Cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM đến tận nhà làm CCCD gắn chíp cho người dân gặp khó khăn về di chuyển

Cũng theo quy định của Luật Cư trú, về SHK được cấp cho hộ gia đình và cá nhân đã đăng ký thường trú, có giá trị xác định nơi thường trú của CD. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền đã sử dụng thông tin về cư trú trong SHK để làm căn cứ giải quyết các giao dịch và TTHC cho người dân. Như vậy, từ ngày 01-01-2023 các thông tin trong SHK giấy sẽ không có giá trị để làm căn cứ khi giải quyết các TTHC.

Luật Cư trú cũng quy định thay thế việc đăng ký quản lý cư trú từ phương thức quản lý thủ công bằng SHK giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC). Quy định này thể hiện ý nghĩa quan trọng của luật và tính chất là cuộc cách mạng trong đổi mới quản lý cư trú phù hợp với xu thế quản lý của Chính phủ.

Thông tin về nơi cư trú của mỗi CD là trường thông tin được dữ liệu số, sẽ được cập nhật điều chỉnh trên CSDLQG về DC và cơ sở dữ liệu (CSDL) về cư trú; đồng thời thông qua công tác kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa CSDLQG về DC với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác. Từ đó để được sử dụng thông tin về cư trú của CD đã có trong CSDLQG về DC thay cho yêu cầu CD phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự.

Anh Nguyễn Chí Tân - bảo vệ dân phố P9, Q3 nhận thẻ CCCD gắn chíp trao tận tay người dân

Thẻ CCCD gắn chíp là CMND, nơi thường trú...

Để hiểu rõ thêm về tích hợp của CCCD gắn chíp, Công an TPHCM cho biết khi CD sử dụng thẻ CCCD gắn chíp là loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Tại khoản 1 điều 3 và điều 18, điều 20 của Luật CCCD năm 2014 quy định, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch liên quan đến nhận dạng của CD. Khi nào CD xuất trình thẻ CCCD gắn chíp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu CD xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận thông tin về CCCD.

Chỉ khi nào CD cho phép thì cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc Qr Code theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành, tích hợp với máy tính hoặc các thiết bị di động để đọc thông tin CD từ mã Qr Code trên thẻ CCCD. Thiết bị đọc thông tin trong chíp, trên thẻ CCCD để phục vụ TTHC về giao dịch dân sự, do Trung tâm DLQG về DC, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ CA phối hợp nghiên cứu, kết hợp sản xuất.

Ngoài ra, khi CD muốn tra cứu khai thác thông tin cá nhân được thực hiện trực tuyến trong CSDLQG về DC để sử dụng khi thực hiện các TTHC và giao dịch dân sự trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ CA. Sử dụng các ứng dụng VNeID để thể hiện những thông tin trên các thiết bị điện tử phục vụ giải quyết TTHC, giao dịch dân sự. Điều này được quy định tại Nghị định 59/2022 NĐCP của Chính phủ vừa ban hành, cũng như Quyết định 34 ngày 8-11-2021 của Thủ tướng.

Theo đó, CD có thể sử dụng các tài khoản với mật khẩu đăng nhập ứng dụng VNeID trên thiết bị di động, thông tin CCCD, thông tin dân cư được tích hợp trên ứng dụng để người dân và các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng phục vụ giải quyết TTHC và các giao dịch dân sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang