Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương về ứng phó với siêu bão Noru

Thứ Ba, 27/09/2022 08:38

|

(CAO) Sáng sớm nay (27/9), trước diễn biến khó lường của bão số 4 (tên quốc tế là bão Noru), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với siêu bão dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền sáng sớm mai (28/9).

Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với điểm cầu Ủy ban Nhân dân 8 tỉnh, thành phố; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên dự báo có bão đổ bộ và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão.

Dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó cơn bão số 4. (Ảnh: TTXVN)

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết bão Noru được cho là siêu bão, gió giật lên tới cấp 17 đang tiến vào miền Trung Việt Nam.

Ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 855/CĐ-TTg yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Bão đổ bộ ngoài gió lốc xoáy còn có mưa to do hoàn lưu sau bão. Do đó, ngoài chống bão còn phải chống sạt lở, lũ lụt do mưa sau bão.

Thủ tướng Phạm Minh Chính họp trực tuyến với các địa phương ứng phó cơn bão số 4. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc họp này Chính phủ tổ chức trực tuyến xuống tới xã, phường vì đây chính là cấp gần dân nhất, trực tiếp thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ để rà soát công tác phòng, chống bão, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng chức năng rà soát công tác kêu gọi ngư dân, tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản vào nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn lòng bè nuôi trồng thủy sản; các sinh kế của người dân; an toàn cho học sinh, khách du lịch; bảo vệ các di sản, nhất là di sản thế giới như phố cổ Hội An, cố đô Huế; bảo vệ các công trình hạ tầng, kinh tế... nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ.

Tại cuộc họp, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn báo cáo công tác kêu gọi ngư dân, tàu thuyền đánh bắt hải sản vào nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn lòng bè nuôi trồng thủy sản; các sinh kế của người dân; an toàn cho học sinh, khách du lịch; phương án bảo vệ các di sản, nhất là di sản thế giới; bảo vệ các công trình hạ tầng, cơ sở kinh tế-xã hội...

Theo lãnh đạo các địa phương, đến nay công tác ứng phó bão số 4 đang được các địa phương thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ" và cơ bản đảm bảo, sẵn sàng ứng phóng với các tình huống có thể xảy ra. Trong đó, một số tàu, thuyền vẫn đang trên đường vào nơi tránh trú; người dân đang thực hiện chằng, chống lồng bè, nhà cửa; một số địa phương đã cho học sinh nghỉ học...

Lực lượng Công an giúp dân chằng chống nhà cửa ứng phó bão

Chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp”

Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng bão số 4 diễn biến tương đối phức tạp, cường độ mạnh, di chuyển nhanh; nhất trí với quan điểm công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động trong chuẩn bị và phòng, chống bão.

Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương tới xã, phường trong chủ động phòng, chống bão số 4; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hốt hoảng, lo sợ để ứng phó với bão số 4.

Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, chú trọng bảo vệ người yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch; cương quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ, cần thiết có thể phải cưỡng chế, với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị kết hợp dự báo trong nước và tham khảo dự báo của các tổ chức khí tượng thế giới, theo dõi sát diễn biến của bão để chủ động thông tin, cảnh báo; không được để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng, tài sản; với tinh thần “phòng tốt, chống có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ”.

Cấp ủy, chính quyền các cấp dự báo có bão đổ bộ, gây ảnh hưởng hoãn các cuộc họp không cần thiết; phân công lãnh đạo xuống địa bàn, trực tiếp ứng trực, chỉ đạo phòng, chống bão. Các địa phương từ tỉnh, thành phố đến cơ sở tiếp tục rà soát, triển khai ngay các công việc phòng, chống bão theo phương châm 4 tại chỗ.

“Cán bộ cấp tỉnh thì xuống huyện, cán bộ huyện thì xuống xã, cán bộ xã xuống thôn, bản để ứng trực, chỉ đạo,” Thủ tướng nhắc nhở.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Trần Hồng Thái báo cáo diễn biến cơn bão số 4. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, thông tin dự báo kịp thời, chính xác nhất có thể để chủ động phòng, chống bão; các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, bằng mọi phương tiện để người dân cập nhật tình hình bão lũ, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, chống, xử lý các tình huống do bão lũ gây nên.

Các đơn vị Công an, Quân đội, Biên phòng huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời, thu hoạch hoa màu, thủy, hải sản; triển khai các biện pháp phòng, chống bão và bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho người dân.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong phòng, chống bão số 4 và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân; đảm bảo an toàn các cơ sở kinh tế-kỹ thuật;dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men... phục vụ người dân, đặc biệt tại các địa bàn có thể bị chia cắt do bão lũ.

Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt. Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bão Noru giật cấp 17, khả năng mạnh thêm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 360km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 170km về phía Đông Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.

Đến 07 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (118-149km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Sóng biển cao 9-11m, mưa lớn trên 450mm/đợt

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão:

Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

Từ chiều 27/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam nước dâng do bão cao 1,2-1,7m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2,0-2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền:

Từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13;

Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Cảnh báo mưa lớn:

Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt;

Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Cấp độ rủi ro thiên tai:

Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: cấp 4

Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: cấp 3.

Lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1136/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương.

Quyết định nêu rõ: Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 năm 2022 (cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ).

Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban thường trực.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan bảo đảm công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.

Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang