Ứng phó siêu bão Noru: Miền Trung chạy đua sơ tán dân

Thứ Hai, 26/09/2022 08:02

|

(CAO) Bão Noru đã vào Biển Đông trở thành cơ bão số 4, đến sáng nay 26/9, bão mạnh nhất cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15, di chuyển với tốc độ khoảng 20-25km/h. Dự báo đến rạng sáng 28/9, bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.

Khẩn trương ứng phó với một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, các tỉnh, thành miền Trung đang khẩn trương tổ chức di dời dân, tài sản đến nơi an toàn tránh trú bão, kết thúc trước lúc bão đổ bộ (dự kiến ngày 28/9).

Tối 25/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó bão và mưa lũ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương tạm hoãn các công việc chưa thực sự cần thiết để tập trung công tác phòng, chống khi bão Noru đổ bộ vào đất liền; hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão, sớm hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, cấm các phương tiện hoạt động trên biển kể cả hoạt động vận chuyển khách ra vào Đảo Lý Sơn từ 12 giờ ngày 26/9.

Các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10 giờ ngày 27/9, địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường; các địa phương triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường khi bão đổ bộ.

Kiểm soát chặt các công trình đang thi công, tích nước, di dời phương tiện máy móc đến nơi an toàn. Riêng với thành phố Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ triển khai các phương án khơi thông, đảm bảo tiêu thoát nước hạn chế ngập úng đô thị.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, bão Noru có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh với sức gió giật cấp 13, tương đương cơn bão số 9 năm 2020.

Quảng Ngãi hiện có 657 tàu/6.207 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ di dời 24.571 hộ/ 84.426 khẩu tại các huyện, thị ven biển đến nơi trú ẩn an toàn.

Chiều 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã cho phép học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các trường học huy động lực lượng chằng chống phòng, lớp, trường học, cắt tỉa cây xanh trong sân trường, chuyển tài liệu, thiết bị đồ dùng dạy học về nơi an toàn, tổ chức trực 24/24 giờ để nhận nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền về phòng, chống bão Noru.

Ngư dân thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đưa tàu thuyền vào bờ để tránh bão Noru. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 25/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ra Công điện khẩn tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lũ.

Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.

Yêu cầu các chủ phương tiện có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ở khu neo đậu, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; hướng dẫn việc chằng, neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9.

Chính quyền các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là đối với các vùng dọc bờ biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng thường xuyên ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ và vùng có nguy cơ sạt lở tại các công trình thuộc khu vực miền núi; chủ động sơ tán dân, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở những khu vực sơ tán.

Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/9.

Ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng thu hoạch và bảo vệ lúa, hoa mùa vụ Hè Thu và diện tích nuôi trồng thủy sản; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở khu ngập lụt chia cắt; sẵn sàng phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời, khắc phục sự cố có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát hồ chứa, các công trình đang thi công; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý khi có sự cố nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Các đơn vị, địa phương đôn đốc, chỉ đạo triển khai ngay việc gia cố, chằng chống nhà cửa, trụ sở, công trình, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây.

Hiện nay, tất cả chủ của 2.302 tàu thuyền với 6.136 thuyền viên của tỉnh Quảng Trị đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru.

Tỉnh đã có 2.295 tàu thuyền với 6.075 thuyền viên neo đậu an toàn tại bến; số tàu thuyền còn lại đang hoạt động trên biển. Tỉnh còn khoảng 523 ha lúa Hè Thu chưa thu hoạch; trên 900 ha ao, hồ và 75 lồng, bè đang nuôi trồng thủy sản. Tổng dung tích các hồ chứa nước trọng điểm trên địa bàn tỉnh đạt trung bình khoảng trên 33% so với dung tích thiết kế.

Ngày 25/9, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động ngay các kịch bản ứng phó với bão Noru.

Theo dự báo, Phú Yên nằm trong khu vực được cảnh báo có mức độ rủi ro do thiên tai ở cấp độ 3 nên mọi công tác chuẩn bị cần chu đáo để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, bão Noru có cường độ rất mạnh. Từ chiều 27/9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương trong khu vực miền Trung; riêng địa bàn Phú Yên mức độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 3.

Do ảnh hưởng của bão Noru, tỉnh Phú Yên có thể phải chịu những thiệt hại do ngập lụt ở khu vực trũng thấp; triều cường ở khu vực ven biển.

Tại các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người thường xuyên làm việc và canh giữ. Nếu không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và lồng bè nuôi thủy sản thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu việc cảnh báo về mức độ thiệt hại, cấp độ thiên tai đã rõ nên các địa phương không được chủ quan mà cần phải xây dựng cụ thể, chi tiết các kịch bản để ứng phó.

Chính quyền địa phương sớm thông báo cho các chủ lồng bè nuôi thủy sản chằng néo hoặc đưa vào khu vực an toàn. Trước khi bão vào đất liền, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè này. Những nơi trước đây đã xảy ra ngập lụt cần chủ động lên phương án sơ tán người dân khi cần thiết. Đối với hơn 400ha lúa vụ hè thu còn lại cần được thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, từ tối 24/9, địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 60-148mm.

Các hồ chứa trên địa bàn đang thực hiện tích nước, vận hành theo quy trình trong mùa cạn, dung tích các hồ phổ biến 35-54% so với dung tích thiết kế. Dự kiến trong 24 giờ tới, hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả qua tràn từ 900-1.100m3/s.

Tính đến 9 giờ ngày 25/9, tỉnh Phú Yên còn 387 tàu cá với 2.250 lao động đang hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Tất cả chủ các phương tiện trên đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão Noru để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Từ ngày 26/9, tỉnh Phú Yên sẽ không cho tàu thuyền ra khơi.

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, có thể gây mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngành chức năng cùng các địa phương chủ động ứng phó với bão.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, cảnh báo và thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập… có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Địa phương, đơn vị nào không tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai để xảy ra sự cố do thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện và thủ trưởng đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 15 giờ ngày 25/9, đa số các tàu thuyền của ngư dân địa phương đã vào nơi neo đậu để tránh trú bão an toàn.

Cụ thể, tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) có 189 tàu thuyền nội tỉnh và 41 tàu thuyền ngoại tỉnh; tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) có 53 tàu thuyền; khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có 125 tàu thuyền.

Sáng 25/9, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức kiểm tra hiện trường công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru tại các địa phương ven biển.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại ba khu neo đậu, tránh trú; tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.

Đồng thời, rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo. Các địa phương khu vực đất liền, chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng… và các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng đang thi công; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, khu dân cư.

Các địa phương, đơn vị liên quan triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng; kích hoạt phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện.

Cùng với đó, tổ chức vận hành điều tiết liên hồ chứa, các hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn đê kè sông, đê kè biển. Đơn vị chức năng triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại những khu vực nhân dân sơ tán đến và đi, khu vực neo đậu tàu thuyền.

Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Các lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh…

Bình luận (0)

Lên đầu trang