Các tỉnh, thành miền Trung chạy đua ứng phó với bão Noru

Chủ Nhật, 25/09/2022 15:22

|

(CAO) Bão Noru đang đổ bộ Philippines và tiến vào Biển Đông, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, hiện các tỉnh, thành miền Trung đang chạy đua, căng mình để chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão này.

Sáng 25/9 tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện lệnh cấm biển đối với tất cả các phương tiện tàu thuyền khai thác, đánh bắt trên biển và vùng đầm phá nhằm chủ động phòng tránh bão Noru.

Toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Tỉnh đã tiến hành kêu gọi các tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá vào bờ, sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn.

 Dự báo hướng và thời gian di chuyển của cơn bão Noru. Ảnh: TTDBKTTVQG

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến 9 giờ ngày 25/9 toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện với 156 lao động hoạt động thủy sản trên biển; dự kiến trong sáng ngày 26/9 sẽ vào bờ.

Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên-Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.

Nhằm sẵn sàng ứng phó bão Noru, tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng các phương án và tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế đã tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.

Trong đó, ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

 Bão Noru đang đổ bộ vào Philippines, đây là cơn bão rất mạnh, ảnh từ vệ tinh có thể nhìn rõ mắt bão

Tỉnh cũng đã xây dựng phương án di dời 26.255 hộ với 99.424 khẩu để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt.

Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.

Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷm3.

Hiện nay mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, các hồ đang vận hành tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ.

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, các tỉnh khu vực Bắc miền Trung có thể bị ảnh hưởng, tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại về người và tải sản.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển có biện pháp quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu thuyền đang hoạt độngtrên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khí có các tình huống.

Đối với các địa phương vùng núi, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt.

Trong những ngày qua, tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Hiện chưa có thống kê mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của mưa lớn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các công trình hạ tầng khác; tuy nhiên, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ trên nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản và làm sạt lở tại một số khu vực ven đồi núi, đường giao thông.

Đơn cử, từ 6 giờ ngày 24/9, trên Quốc lộ 7A đoạn qua xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã xảy ra sạt lở núi, làm ách tắc giao thông trên tuyến đường quan trọng này.

Hiện nay cùng với khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão, ngành giao thông vận tải và các đơn vị liên quan cũng đã triển khai lực lượng, phương tiện để túc trực, phân luồng giao thông; thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi đi lại trên các tuyến đường đang có nguy cơ ngập nước, sạt lở đất đá.

Từ 20 giờ, ngày 24/9/2022, Nhà máy Thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) cũng đã tiến hành xả lũ hồ chứa thủy điện; lưu lượng xả từ 520 m3/s - 900 m3/s.

 Tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão tại khu vực Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. (Ảnh: TTXVN) 

Ngày 25/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với bão Noru đang vào Biển Đông.

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh.

Lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân triển khai các giải pháp bảo vệ người và tài sản tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản...

Đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, các cơ quan chức năng phải khẩn trương thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện về diễn biến của bão Noru; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến cảng đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp...

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện nay toàn tỉnh có 396 tàu cá/2.377 lao động đang hoạt động khai thác trên biển. Trong đó: hoạt động xa bờ 294 tàu cá/1.799 lao động (thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, giữa và phía Nam Biển Đông); hoạt động gần bờ và đi về trong ngày là 102 tàu cá/578 lao động.

Các tàu cá đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin về tình hình của bão Noru.

Tại Phú Yên, từ chiều tối 24/9 đã có mưa lớn và gây ngập cục bộ một số nhà của người dân ở vùng trũng thấp tại thị xã Sông Cầu.

Quốc lộ 1 qua thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An bị ngập ở một số đoạn khiến cho phương tiện giao thông gặp khó khăn khi lưu thông.

Tại thành phố Tuy Hòa, một số trụ đèn, mặt kè chắn sóng dọc công viên ven biển bị hư hại do mưa lớn kèm theo gió mạnh.

 Mưa lớn gây ngập nhà người dân tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên vào tối 24/9.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tất cả chủ của 2.397 tàu thuyền với 6.569 thuyền viên trên địa bàn tỉnh đều đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru để phòng tránh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cũng đã ra Công điện triển khai ứng phó với bão.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi họp rà soát, triển khai công tác ứng phó với cơn bão Noru; đề nghị các quận, huyện có phương án sơ tán người dân trong thiên tai, nhất là các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, nhà cửa không kiên cố...

Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; chủ động, sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra.

Để phòng tránh các thiệt hại do bão Noru gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có công điện số 01/CĐ-UBND gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn chủ động ứng phó bão.

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão Noru, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8 m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.

Hồi 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên):từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có xu hướng mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 108,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên đất liền Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25 km/giờ, cường độ suy yếu dần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang