Quê tôi không phải ở vào rốn lũ của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tháng bảy âm lịch nước vẫn "nhảy khỏi bờ", đặc biệt là con nước lớn vào ban đêm mà người vùng quê vẫn thích gọi ngắn gọn là "con nước đêm".
Đây là con nước xoay theo chu kỳ từ ban ngày trở sang ban đêm và "đỉnh" là vào các đêm trước và sau ngày 15 hay còn gọi là "nước rằm". Lúc này, nước từ sông đổ vào kênh rồi từ kênh ào ạt đổ vào khắp các cánh đồng quê tôi lúa đã nở bụi và xanh ngọn lặt lìa, gọi một cách lãng mạn là "lúa đang thì con gái" để chuẩn bị trổ đòng đòng.
Và đây cũng là mùa cá về, với ba loại cá đặc trưng của mùa "nước nhảy" ở quê tôi là cá lóc, cá trê, cá rô mề. Con nào con nấy to, béo núc ních vì ăn mồi no đủ như tép rong, tép đất, nhái và đặc biệt là những nhánh bông lúa non mới "ngậm sữa", vừa béo ngậy chất sữa, ngọt, thơm ngon cực kỳ.
Trước đó, người quê tôi, đa số là thanh niên nam nữ và trẻ con lứa tuổi từ 10 - 15 đều chuẩn bị cho một mùa giăng câu ban đêm rất hào hứng, thú vị. Đó vừa là một thú vui, vừa kiếm thức ăn cho gia đình, nếu gặp đêm giăng câu "trúng" thì mang ra chợ bán cũng tăng thêm thu nhập.
Bộ đồ nghề để giăng câu là chiếc xuồng ba lá, một, hai cái rộng đựng cá làm bằng tre đan, hình bầu dục, hai đầu bịt kín bằng hai miếng gáo dừa lên nước đen kịn, ở giữa là miệng rộng có hom gài để bỏ cá vào mà không thể thoát ra được và cây đèn soi tù mù đốt bằng dầu lửa hay sang hơn là đèn khí đá.
Quan trọng là vài trăm "tay câu" với loại dây nhợ to cột sẵn những chiếc phao bằng nhựa, cứ khoảng 2m tóm một lưỡi câu thả, độ sâu xuống khỏi mặt nước chừng 5 tấc, mồi câu giăng là tép đất sống móc ngang lưng, nhưng chủ yếu là mồi trùn quắn (giun đất).
Giăng câu, ít nhất là hai người đi một xuồng. Một người chèo, một người vừa móc mồi vừa thả câu. Xuống vài trăm "tay câu" cũng mất khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó thì chống xuồng vào bờ hoặc neo xuồng lơ lững giữa cánh đồng ngập trắng nước, xúm nhau chè cháo, hát hò "vui văn nghệ". Rồi thì cứ khoảng một tiếng đồng hồ, tách ra, mỗi xuồng mỗi hướng đi thăm câu, bắt cá, thay mồi... cho đến khi nước bắt đầu rút xuống kênh thì xuồng ai nấy lo cuốn câu để trở về nhà.
Câu giăng ban đêm tất nhiên phải lệ thuộc vào con nước xoay, có khi mới vừa sụp tối đã phải chống xuồng ra đồng thả câu, nhưng cũng có khi nửa đêm nghe tiếng nước đổ ào ạt sau chòi thì sực tỉnh giấc, mắt nhắm, mắt mở đẩy xuồng ra cho kịp con nước. Thời gian vô chừng nhưng ít ai có đồng hồ báo thức, vậy mà người thôn quê như có giác quan thứ sáu, cứ sực tỉnh khi con nước lên, ít khi nào ngủ quên.
Dạo đó tôi chỉ là đứa trẻ con lên 10 - 12 tuổi, khi ngủ thì ngủ mê mệt, lại thích đi giăng câu nên chiều tối, ngoài nhiệm vụ đào bắt vài trăm con trùn đất, bỏ vào cái thùng nhựa ém đầy đất cho trùn không chết, còn mang theo mấy cuốn tập học bài để lên chòi vịt của đứa bạn học cùng lớp trên kênh Nhỏ, đi giăng câu với nó.
Trong lúc chờ nước lớn, tôi với nó tranh thủ học bài dưới ngọn đèn dầu tù mù, mắt đã mỏi vì thiếu ánh sáng và buồn ngủ, còn bị cay sè vì khói đốt con cúi un muỗi. Chòi vịt của đứa bạn thấp lè tè, chật hẹp, đã nhiều muỗi, tay phải đập lia lịa để xua bầy muỗi đói, lại còn tiếng vịt đẻ kêu inh tai nên học câu được, câu mất. Nhưng được cái, đứa em gái của nó thường nấu chè hột vịt cho ăn nên dù bài học bữa đực, bữa cái nhưng tôi vẫn thích.
Chè hột vịt nhỏ em gái đứa bạn nấu vô cùng đơn giản, chỉ là đường thốt nốt bỏ và nước mưa nấu sôi lên, đập chừng 5-6 trứng hột vịt, vài lát gừng thơm thơm, cay cay. Thế mà thành món chè hột vịt ngon tuyệt cú mèo, tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ món chè dân dã này.
Một đêm như thường lệ, ăn chè xong, nghe nước đổ ào ào sau chòi, bầy vịt đẻ lại kêu vang theo quán tính, tôi và đứa bạn đứa xách cây đèn soi, đứa xách thùng trùn nhảy xuống xuồng. Bỗng nhỏ em gái của nó chạy theo đòi cùng đi giăng câu.
Tình tiết bất ngờ này làm tôi bối rối lẫn khó chịu, vì trên xuồng có thêm một đứa con gái sẽ làm không khí mất tự nhiên, bởi lẽ tôi có thói quen sau khi móc mồi, thả câu xong thường nằm vắt chân, đầu gối lên mũi xuồng ngắm sao trời, ngắm trăng hát nghêu ngao, mặc cho đứa bạn muốn chống chèo thế nào tùy thích. Nếu có thêm em gái nó chắc chắn tôi sẽ mất tự nhiên.
Thấy tôi có vẻ không bằng lòng, đứa bạn lại cười khì, bảo có thêm em gái nó có khi lại được việc vì nhỏ em nó chèo xuồng rất giỏi, biết cách móc mồi rất "nhạy", con cá nào ăn cũng dính. Anh nó nói thế thì tôi đành chịu.
Quả đúng như thế, sau khi lên xuồng, đứa bạn trao mái dầm cho nhỏ em. Giữa lúc tôi tưởng con bé sẽ loay hoay chèo chống thì chỉ vài động tác quậy nước, chiếc xuồng băng băng lướt trên cánh đồng rộng. Nhờ có nhỏ em chèo xuồng, tôi và thằng bạn đứa móc mồi đứa thả câu rất nhanh.
Đêm đó tôi mất tự nhiên và... mất hứng, không nằm vắt chân, tựa đầu lên mũi xuồng hát nghêu ngao nữa, nhưng bù lại được một đêm gỡ cá mệt xỉu vì được nhỏ em đứa bạn "dạy" cho kinh nghiệm móc mồi trùn dụ cá mà lâu nay tôi không biết. Mồi trùn phải móc nguyên con và không bao giờ để cho bị đứt, cũng như lúc nào cũng phải chừa khúc đuôi con trùn ở đầu lưỡi câu cho nó loe ngoe thì cá mới "thấy".
Thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết cách móc mồi trùn sao cho con cá nó "thấy", vì thường tôi móc hết con trùn, móc luôn khúc đuôi của nó vào mũi lưỡi câu để giấu. Như thế là mồi "tĩnh" chứ không phải mồi "động" theo cách nói của nhỏ em thằng bạn. Một bài học của... giới giăng câu.
Bao nhiêu năm rồi, quê tôi mỗi năm vẫn một mùa nước nổi vào tháng bảy âm lịch theo như câu nói dân gian: "Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ". Nhưng cánh đồng mùa nước nổi ngày xưa có còn nhiều người giăng câu như chúng tôi thuở đó?
Riêng tôi vẫn nhớ những đêm giăng câu ngủ trong căn chòi chật hẹp, cheo leo trên bờ kênh Nhỏ của đứa bạn học cùng lớp ngày xưa. Nhớ như in lúc tranh thủ học bài, tay đập mũi, mắt cay sè vì khói con cúi, tai nghe tiếng bầ yvịt đe kêu ồn ào báo con nước lớn và món chè hột vịt nấu đường thốt nốt thơm vị gừng cay của con bé đã dạy tôi bài học móc mồi trùn giăng câu ngày nào.