Hành trình 30 năm tiếp nối tâm nguyện nhà bác học Alexandre Yersin

Thứ Năm, 22/09/2022 11:59

|

(CATP) Dòng chảy nào đưa ông đến Nha Trang/Alexandre Yersin, con người nhân ái... Câu thơ trong bài thơ “Sống mãi ”của GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng viện Pasteur Nha Trang, dường như đã nói lên tình cảm trân trọng của những người ái mộ nhà bác học A.Yersin.

Tình yêu Việt Nam của nhà bác học A.Yersin

Alexandre Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại Lavaux (hạtVaud, Thụy Sĩ). Năm 1885, ông đến Paris theo học ngành Y. Năm 1886, ông làm việc ở viện Pasteur Paris. Năm 1888 tốt nghiệp bác sĩ y khoa, ông là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur. Năm 1889, A. Yersin nhập quốc tịch Pháp và là bác sĩ, nhà vi khuẩn học, nhà nông học, nhà thiên văn học và nhà thám hiểm. Ngày 29-7-1891, ông đặt chân lên mảnh đất Nha Trang và bị chinh phục bởi vẻ đẹp của mảnh đất này, kể từ ngày ấy ông đã gắn liền cuộc đời mình với đất nước Việt Nam.

Năm 1894, ông là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch. Tại Hồng Kông, với điều kiện rất khó khăn, bác sĩ Yersin đã miệt mài tự tìm tòi nghiên cứu và phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch, tác nhân gây bệnh dịch hạch. Ông nghiên cứu điều chế ra huyết thanh ngừa bệnh và chữa trị thành công. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, vi khuẩn được đặt theo tên ông là “Yersinia pestis”.

Chân dung bác sĩ Alexandre Yersin

Ông sáng lập Viện Pasteur Nha Trang năm 1895. Năm 1902, ông là hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa Đông Dương (nay là trường Đại học Y Hà Nội). Ông đã khám phá Hòn Bà (Khánh Hòa), cao nguyên Langbiang, TP Đà Lạt xinh đẹp ngày nay. Ông dự báo thời tiết giúp cho ngư dân Xóm Cồn đi biển, tránh giông bão; nuôi trồng và sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp để có nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học, giúp đỡ người nghèo.

Ông sống chan hòa với người dân, yêu thương trẻ em; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo. Tên tuổi nhà bác học A. Yersin đã gắn liền với Nha Trang - Khánh Hòa, với tình cảm thiêng liêng và tâm huyết, trở thành biểu tượng cao quý suốt đời tận tụy cống hiến cho khoa học, mang lại sức khỏe, niềm vui, đồng thời là tấm gương lớn về lòng nhân ái yêu thương con người, đặc biệt với người nghèo. Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý Công dân danh dự Việt Nam vì những đóng góp to lớn cho Việt Nam.

A.Yersin sống và cống hiến trọn vẹn cho khoa học nhân loại và nhân dân Nha Trang, Khánh Hòa hơn 50 năm, hoàn thành 55 công trình nghiên cứu khoa học về y khoa, nông nghiệp, thiên văn... có giá trị cống hiến cho đời sống con người. A.Yersin sống giản dị tại Nha Trang đến cuối đời, một cuộc đời đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu khoa học, yêu thương con người với tấm lòng nhân văn cao cả. A.Yersin mất ngày 01-03-1943 tại Nha Trang. Tình yêu của ông dành cho Nha Trang thật sâu sắc, cảm động Trong di chúc để lại, ông viết: “ Khi tôi chết, tôi ước muốn chôn cất ở Suối Dầu... Hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại lễ đặt bia giới thiệu thân thế, sự nghiện bác sĩ A.Yersin tại công viên A.Yersin bên bờ biển Nha Trang

Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa

Với tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng của A.Yersin đối với Khánh Hòa (Việt Nam) - nhà bác học lớn, nhà nhân văn lớn của thời đại, một cuộc đời bình dị mà cao cả, GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, người sáng lập Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa đã cùng nhiều bác sĩ, trí thức, những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều hoạt động phát huy di sản và tấm lòng nhân văn cao cả của A.Yersin.

GS.TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm

Khó có thể hình dung được quá trình thành lập và xây dựng Hội bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng nhiều hoạt động thuyết phục. “Ban vận động lập Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin” được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép thành lập ngày 24-5-1990. Từ kết quả cuộc tọa đàm của tỉnh về thân thế, sự nghiệp A.Yersin vào đầu năm 1990, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất với cơ quan trung ương công nhận các di tích về A.Yersin, ngày 28-9-1990 Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia gồm Thư viện, Bảo tàng A.Yersin, chùa Linh Sơn và mộ A.Yersin.

Tiếp đến, nhân kỷ niệm 100 năm A.Yersin đến Việt Nam, ngày 01-03-1991, Bộ Thông tin Văn hóa, UBND tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang và Ban vận động Hội đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế về A.Yersin tại thành phố Nha Trang với nhiều nhà khoa học và khách mời quốc tế đến dự. Hội thảo đánh giá cao những thành tựu và cống hiến to lớn của nhà khoa học A.Yersin cho nhân loại trên nhiều lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, thú y, nông nghiệp và đặc biệt là những công trình về sức khỏe con người.

Hội thảo cũng khẳng định A.Yersin là nhà nhân văn lớn, là tấm gương sáng, để lại niềm kính phục đối với người dân Việt Nam. Tiếp theo đó, ngày 20-9-1992 Đại hội lần thứ nhất được tiến hành, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập vào ngày 11-11-1992. PGS. TS Nguyễn Thị Thế Trâm là chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yerin đầu tiên và trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp.

Phòng khám bệnh từ thiện A.Yersin tại số 11 Sinh Trung, TP.Nha Trang

Hành trình tiếp nối

Ngày 02-03-1995, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập viện Pasteur Nha Trang, GS Maxime Schwartz, Tổng giám đốc Viện Pasteur, Paris đã phát biểu: “Tôi xin chúc mừng Viện Pasteur Nha Trang - Viện duy nhất trên thế giói đã liên kết tên của hai nhà bác học Pasteur và Yersin, tiếp tục những hoạt động làm rạng danh hai nhà bác học vĩ đại và ân nhân của nhân loại trong nhiều năm sắp tới”. Năm 2009, Hội tổ chức hội thảo có chủ đề: “Yersin với Nha Trang - Nha Trang với Yersin”. Các đại biểu đã đề xuất xây dựng các công trình mang tên Yersin. Hội đã phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức trong và ngoài nước đề xuất xây dựng, tôn tạo các công trình mang tên A.Yersin.

Ngoài các công trình lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đến nay tỉnh Khánh Hòa đã có hệ thống công trình hữu nghị mang dấu ấn nhà bác học A.Yersin như: Đường Yersin, Công viên và tượng đài A.Yersin; Trường THCS A.Yersin (Nha Trang); Trường THCS A.Yersin (huyện Cam Lâm), nhà làm việc A.Yersin tại Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) và Bệnh viện đa khoa Yersin Nha Trang.

Hội tặng quà cho trẻ mồ côi nhân dịp Tết Trung thu tại chùa Thanh Sơn, huyện Cam Lâm

Hành trình 30 năm với 6 nhiệm kỳ đại hội, Hội đã kết nối những người ái mộ bác sĩ A.Yersin trong và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân từ Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Canada, Đan Mạch, đại sứ quán Pháp, Thụy Sĩ ở Hà Nội và TPHCM... và nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, phát huy tài sản quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học A.Yersin; góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị những công trình, di tích lịch sử - văn hóa, các công trình nghiên cứu khoa học, tinh thần nhân đạo, tư tưởng nhân văn của A.Yersin với nhiều hoạt động cụ thể.

Hội phối hợp phối hợp với các cơ quan truyền hình, thông tin, báo chí trong và ngoài nước sản xuất 10 bộ phim về Yersin đã phát hành trên VTV, nhiều bài báo, xuất bản nhiều bộ sách, tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo, triển lãm, xuất bản sách báo, sưu tầm tem trong nước và quốc tế... về cuộc đời và sự nghiệp A.Yersin bằng ba thứ tiếng Pháp - Anh - Việt. Hội huy động nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân gắn kết các hoạt động hữu nghị và tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo, tổ chức Phòng khám bệnh từ thiện A.Yersin từ năm 1993, cấp phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng, giải thưởng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ  trợ những hộ gia đình bị hoả hoạn, bệnh hiểm nghèo, giúp các tỉnh bị thiên tai, lũ lụt, đỡ đầu trẻ khuyết tật từ năm 2008, trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo, đở đầu nha khoa học đường, chăm sóc các cháu bị chất độc da cam, tổ chức dạy nghề cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mổ mắt miễn phí cho người nghèo...

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 159 năm ngày sinh bác sĩ A.Yersin và 30 năm thành lập Hội những người ái mộ nhà bác học A.Yersin.

Những hoạt động của Hội đạt hiệu quả thiết thực, đem lại nguồn vui, hạnh phúc cho hàng vạn người. Trong 30 năm, Hội đã huy động hơn 24 tỷ đồng tổ chức các hoạt động an sinh xã hội. Hàng năm, Hội phối hợp cùng các cơ quan trong tỉnh tổ chức trang trọng, thành kính lễ kỷ niệm ngày sinh (ngày 22-9), ngày mất của A.Yersin (ngày 01-3) theo truyền thống dân tộc, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến với nhà bác học A.Yersin như một vị tiền nhân được hậu thế trân trọng, yêu quý và tri ân sâu đậm.

30 năm qua, Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Hội, đối ngoại nhân dân, khuyến học, khuyến tài, hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc như bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang