Để du lịch xanh trở thành món ăn lạ và hấp dẫn

Thứ Bảy, 24/09/2022 22:56

|

(CATP) Sau đại dịch Covid-19, loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp (gọi chung du lịch xanh) tăng mạnh do du khách e ngại môi trường đông đúc, khép kín. Chủ động tìm đến với ruộng vườn, sông nước để trải nghiệm không hẳn là trào lưu mà đang trở thành lối sống mới, xóa đi khoảng cách giữa con người với đất trời thiên nhiên sau đại dịch.

Ba nhà tạo thế 'chân kiềng'

Theo Th.s Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng có phong trào phát triển du lịch xanh mạnh nhất hiện nay là ĐBSCL với nhiều mô hình làm du lịch trên cánh đồng sen, vườn cây ăn trái, rừng đước...

Nhiều chủ đầu tư còn mạnh dạn xây dựng khu nghỉ dưỡng nhỏ ở ven sông, nhà vườn dạng "lodge", "bungalow" hay farmstay ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ... có giá bán phòng ngủ có khi còn cao hơn một số khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn cùng thời điểm.

Từ đó mang lại cho nông dân cơ hội bán sản phẩm trực tiếp cho người mua. Khách nhận sản phẩm ngon, phù hợp sở thích tại chỗ, nông dân thu "tiền tươi, thóc thật" mà không qua khâu trung gian nào. Bởi hoa trái được thu hái ngay trước mặt, hoặc khách có thể tự tay thu hoạch nên chất lượng không thay đổi.

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái

Theo kết quả khảo sát về chuỗi giá trị du lịch xanh tại ĐBSCL của hai PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường ĐH KH XH&NV, ĐHQG TPHCM) công bố vào tháng 5-2022, tại Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, có 2 mô hình chuỗi giá trị du lịch xanh đang được khai thác.

Đó là mô hình người dân tự phát làm du lịch và khách tự tìm đến như các vườn trái cây ở An Bình (Vĩnh Long); Phong Điền, Vàm Xáng (Cần Thơ); Viet Mekong Farmstay (Đồng Tháp)... Và, mô hình có yếu tố liên kết giữa người dân với nhau như ở Cồn Sơn (Cần Thơ); doanh nghiệp liên kết với người dân như trường hợp của Công ty du lịch Mekong Travel và hệ thống Út Trinh Homestay (Vĩnh Long); có sự tư vấn các nhà khoa học và hỗ trợ của chính quyền như Cồn Chim (Trà Vinh), Châu Đốc (An Giang).

Theo giới làm du lịch, mô hình liên kết giữa người dân với chính quyền và doanh nghiệp tạo thế "chân kiềng" mang lại hiệu quả trong phát triển du lịch xanh bền vững. Đây là mô hình mà nhiều quốc gia trong khu vực đang hướng tới.

Những người nông dân làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, TP.Cần Thơ.

Cơ hội du khách trẻ trải nghiệm

Vùng ĐBSCL được biết đến là vùng đất hiền hòa, cây lành trái ngọt. Nhiều nơi trong vùng còn hoang sơ, thích hợp để phát triển du lịch xanh. Bên cạnh đó, trong vùng còn được thiên nhiên ban tặng cho những dãy cù lao quanh năm nắng ấm, không khí trong lành như cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy (Bến Tre); cồn Tiên (Đồng Tháp), cồn My Phước (Sóc Trăng), cồn Thới Sơn (Tiền Giang)... làm tăng thêm nét đẹp đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, vô tình trở thành yếu tố góp phần thỏa mãn nhu cầu ăn tươi, sống xanh, giải trí xanh, mua sắm sản phẩm xanh... của du khách.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du Ngoạn Việt cho rằng, du lịch xanh phải mang lại cho du khách sự trải nghiệm, mở rộng kiến thức và ứng dụng cụ thể trong cuộc sống. Cuộc sống hiện đại làm cho các du khách, đặc biệt du khách trẻ rất ít cơ hội tiếp cận người nông dân để hiểu cách trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng hoa, chăn nuôi gia súc, vắt sữa bò, dê...

Đối với các hoạt động tham quan quy trình sản xuất, không chỉ nên dừng lại ở các trải nghiệm giới thiệu về cách làm mà nên để du khách có cơ hội trực tiếp thực hiện và hưởng thành quả. Chẳng hạn như cho du khách thuê vườn, trực tiếp trồng và chăm bón. Hoạt động này không chỉ mang lại trải nghiệm mới mà còn có tính giáo dục cao, thích hợp với các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiểu học. Ngoài ra, còn có tính gắn kết du khách với địa phương tạo điều kiện cho du khách quay trở lại.

Nếu như khách hàng mục tiêu của du lịch nông nghiệp là từ các đô thị, thì ĐBSCL nằm cạnh TPHCM và các tỉnh công nghiệp miền Đông nên dễ dàng khai thác. Các chủ nhà vườn sinh thái chỉ cần tiếp thị thông qua ứng dụng công nghệ, các trang mạng xã hội hay livestream về một vườn sầu riêng sắp chín, lễ hội bánh dân gian sắp diễn ra là hút khách.

Sau dịch Covid-19 khách nội địa có xu hướng đi du lịch trong nước với các điểm đến nhiều yếu tố thiên nhiên, là cơ hội lớn cho du lịch xanh ĐBSCL. Việc phát triển loại hình du lịch này tạo ra sản phẩm mới, một "món ăn lạ", bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá...

Bình luận (0)

Lên đầu trang