Lời tường trình của những nạn nhân bị đòi tiền "chuộc mạng"

Chủ Nhật, 25/09/2022 20:01

|

(CATP) Cùng với nhiều địa phương khác, tại tỉnh Đắk Nông, nhiều trường hợp bị lừa sang Campuchia với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”, sau khi được cơ quan chức năng giải cứu hoặc đóng tiền chuộc trở về, đã tố cáo các đối tượng lừa đảo, buôn bán người. 

Bên cạnh đó, hiện nhiều gia đình ở Đắk Nông có người thân bị lừa đã đến trình báo, kêu cứu với các cơ quan chức năng với mong muốn được giúp đỡ, sớm đưa người nhà của mình hồi hương.

Bị mua bán nhiều lần như... hàng hóa

Sau khi được lực lượng lượng chức năng giải cứu đưa trở về Việt Nam, ngày 22/9/2022, anh Nông Văn T (SN 1992, trú tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Nông trình báo và tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng.

Theo tường trình của anh Nông Văn T, đầu tháng 3/2022, anh lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được 1 tài khoản Facebook giới thiệu, hướng dẫn làm việc liên quan đến máy tính của một Công ty tại Campuchia với mức lương từ 800 đến 1000 USD/1 tháng.

Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Nông làm việc với nạn nhân và người thân nạn nhân

Ngày 16/3/2022, anh T làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia (mọi chi phí do Công ty bên Campuchia chi trả). Khi đến thủ đô Phnôm Pênh, anh T được các đối tượng đưa đến làm việc tại một công ty do người Trung Quốc quản lý. Nhiệm vụ hàng ngày của anh là tư vấn, thu hút người chơi game, đánh bạc trực tuyến và các app kinh doanh hẹn hò, kinh doanh, buôn bán với hình thức lừa đảo người tham gia ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Việt Nam...

Anh T, kể: “Sang bên đó tôi và nhiều người khác bị ép buộc làm việc, không được trả lương và bị đánh đập. Làm việc được 1 tháng thì tôi bị công ty bán sang 1 công ty khác (hình thức kinh doanh tương tự). Trước khi bán, công ty thông báo, nếu ai muốn về Việt Nam thì liên hệ gia đình đưa cho chúng khoảng 200 triệu đồng để chuộc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chuộc nên tôi đã ở lại làm việc cho công ty mới.

Đến tháng 5 năm 2022 không chịu được cảnh làm việc cơ cực, bị đe dọa, đánh đập nên thông qua mạng xã hội, tôi đã nhờ các lực lượng chức năng của Campuchia và Việt Nam đến giải cứu cùng với 4 người khác. Được may mắn trở về quê hương tôi thật sự rất hạnh phúc và mong mọi người hãy cảnh giác đừng nghe, đừng tin theo những chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo của kẻ xấu".

Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Nông tiếp nhận nhiều đơn, bản tường trình của các nạn nhân và gia đình các nạn nhân

Tương tự, tháng 4/2022, thông qua mạng xã hội Facebook, em Vi Văn H (SN 2006) ở huyện Tuy Đức được một tài khoản Facebook giới thiệu đi làm quán game ở TPHCM với mức lương 20 triệu đồng/1 tháng. Sau đó, H rủ thêm Hoàng Văn C (SN 2005), người cùng xã xuống TPHCM làm việc theo thỏa thuận. Sau đó, cả hai được các đối tượng đưa đến khu vực biên giới và xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Tại đây, H và C được bố trí làm việc tại 1 công ty kinh doanh online của người Trung Quốc với việc bị cưỡng bức lao động, ngược đãi, dọa bán sang công ty khác và không trả lương nếu không làm ra doanh thu theo yêu cầu. Do áp lực công việc nên H và C xin về Việt Nam nhưng các đối tượng yêu cầu trả tiền chuộc với mức 110 triệu đồng/1 người. Sau khi gia đình gửi tiền cho chúng theo số tài khoản thì cả hai được đưa đến cửa khẩu Mộc Bài để về Việt Nam.

Lo lắng cho người thân "biệt tích"

Đã nhiều ngày nay, gia đình bà Phạm Thị T (ở huyện Đắk Song) vô cùng lo lắng khi người con trai út của bà tên là Lý Văn L (SN 2004), đã bị lừa sang Campuchia làm việc. Gia đình bà T tìm mọi cách nhưng không thể liên lạc với con trai. Lâu lâu, bà T nhận được vài cuộc gọi, tin nhắn qua mạng xã hội của đối tượng lạ, hối thúc gia đình nộp tiền để chuộc con. Tuy nhiên, do chưa liên lạc được với con để biết con mình có bình an hay không, nên gia đình bà chưa chuyển tiền cho đối tượng....

Theo Trung tá Trịnh Ngọc Dũng, Phó trưởng Công an huyện Đắk Song, trên địa bàn huyện có 9 trường hợp bị dụ dỗ, lừa sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Trong đó có 6 trường hợp đã được gia đình chuộc về, 3 trường hợp còn lại vẫn ở Campuchia. 

Qua điều tra và làm việc với các nạn nhân đã được trở về địa phương và những người thân có con em bị lừa sang Campuchia nhưng chưa được chuộc về, bước đầu lực lượng chức năng đã xác nhận có đường dây lừa bán lao động trái phép qua Campuchia bằng các đường tiểu ngạch. Khi vào làm việc mà không đáp ứng yêu cầu thì sẽ bị bán cho chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi.

Lực lượng Công an cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân trước các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng

Công an huyện Đắk Song đã và đang phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp giải cứu các nạn nhân còn lại về nước an toàn.

Đồng thời phối hợp với các ban, các ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, tránh bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo lừa đảo sang Campuchia làm việc rồi bị chiếm đoạt tài sản....

Thiếu tá Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho biết, tính đến ngày 22/9/2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận có 26 công dân bị dụ dỗ, lừa sang làm việc tại Campuchia với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” (Đắk Song 9 trường hợp, Cư Jút 8 trường hợp, Tuy Đức 6 trường hợp, Đắk Glong 2 trường hợp và Đắk Mil 1 trường hợp). Trong đó có 15 trường hợp đã được các lực lượng chức năng giải cứu và gia đình bỏ tiền ra chuộc về với mức tiền từ 67 triệu đồng đến 230 triệu đồng/1 người.

Trong 2 ngày 20 và 21/9/2022, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh liên tiếp tiếp nhận 3 đơn đề nghị giải cứu của gia đình 3 nạn ở huyện Cư Jút và Đắk Mil về việc người thân của họ bị dụ dỗ, lừa bán và cưỡng ép lao động tại Campuchia với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”.

Các nạn nhân ở tỉnh Đắk Nông chủ yếu có tuổi đời từ 15 đến 25 tuổi, không có công ăn việc làm ổn định, có tâm lý muốn tìm công việc nhẹ, lương cao, thường xuyên lên trang mạng xã hội tìm việc làm hoặc chơi game. Công việc hàng ngày là tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử giả mạo, kêu gọi đầu tư vào các sàn tiền ảo, giả đóng vai các cơ quan nhà nước… để gọi điện về Việt Nam lừa đảo.

Các nạn nhân được giao chỉ tiêu hàng tháng phải đạt doanh thu nhất định. Nếu chủ công ty thấy không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ bán lại cho những ông chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi suất mà họ đã trả trước đó.

Nếu nạn nhân muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Còn những trường hợp mà gia đình không có tiền chuộc thì các nạn nhân tiếp tục bị ép buộc, đe dọa làm việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt khó khăn,...

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Phương, trước tình hình công dân các địa phương trong tỉnh liên tiếp bị dụ dỗ, lừa phỉnh xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc với chiêu trò ‘việc nhẹ, lương cao”, vào cuối tháng 8 năm 2022, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực lao động; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trong tỉnh và trong việc đưa người Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý chặt chẽ số đối tượng người nước ngoài sinh sống, lao động trên địa bàn tỉnh, người nước ngoài về thăm thân để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động đi nước ngoài làm việc, tổ chức vượt biên trái phép…

Đẩy mạnh cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan; khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, lợi dụng việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc nhu cầu tìm việc làm của người dân để trục lợi, mua bán người...

Bình luận (0)

Lên đầu trang