Đã cấp được 21 triệu CCCD điện tử
Chính phủ cho biết, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLDC) là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hiện nay, CSDLDC được thiết kế, xây dựng đáp ứng cấp độ 4 về mức độ bảo đảm an toàn thông tin nên hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu an ninh trong khi lưu trữ, kết nối, chia sẻ thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang cung cấp nhiều dịch vụ khai thác thông tin trong CSDLDC cho các bộ, ngành, địa phương như: Dịch vụ xác thực thông tin công dân; Dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình; Dịch vụ tra cứu thông tin công dân; Dịch vụ gợi ý số định danh cá nhân yêu cầu có số CMND; Dịch vụ gợi ý số định danh không yêu cầu có số CMND; Dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân và số CMND... Các dịch vụ này trong thời gian qua đã được triển khai rất hiệu quả, đem lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Bộ Công an đã tiếp nhận được hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử của gần 23 triệu người dân và đã triển khai cấp được 21 triệu tài khoản định danh điện tử; các tài khoản này đang được người dân sử dụng thường xuyên, hiệu quả trên ứng dụng VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Công an dự kiến trong năm 2023 sẽ có 40 triệu người dân đăng ký và cấp tài khoản định danh điện tử.
Ở nước ta hiện nay đang có tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Hệ thống internet đã phủ sóng trên 99,7% số thôn trên toàn quốc. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, 91% thôn bản. Vùng phủ 3G/4G đã lên tới 95% dân số đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Do vậy, việc luật hóa để nâng cao giá trị pháp lý của tài khoản định danh điện tử (CCCD điện tử) tại thời điểm hiện nay là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hoàn toàn khả thi.
Chính phủ cũng cho biết, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý.
Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp thẻ căn cước được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Thẻ căn cước gắn chíp đem lại rất nhiều lợi ích
Luật Căn cước cũng xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước và trong triển khai thực tế, Bộ Công an có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chíp. Theo đó, chỉ có thiết bị chuyên dụng đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mới có thể khai thác được thông tin tích hợp trong thẻ căn cước (thiết bị sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã số riêng, truy nguyên được chủ thể sử dụng).
Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao (khai thác thông tin phù hợp với nhiệm vụ của mình) và phải được người dân đó đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng di động VNeID (người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID).
Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước, nếu bị người khác sử dụng thẻ căn cước trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp trong chíp khi không cần phải được chủ thẻ xác nhận trên thiết bị chuyên dụng hoặc ứng dụng VNeID. Người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử (ứng dụng VNeID).
Thẻ căn cước gắn chíp cũng đem lại lợi ích cho cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, thẻ căn cước gắn chíp đã được sử dụng trong đăng ký khám, chữa bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế. Bộ Công an cũng đang triển khai các thiết bị đầu đọc mã QRcode trên thẻ căn cước phục vụ các điểm đón tiếp người dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu ở một số địa phương. Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức.
Việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp đã được tích hợp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân (nếu người dân không có nhu cầu hoặc chỉ cần bản điện tử của giấy tờ đó); không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do người dân cung cấp; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân.
Tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính như bưu chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau... Không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân.
Ví dụ như hiện nay, chi phí để cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000đ, chi phí để cấp đăng ký xe là 30.000đ, chi phí để sản xuất, cấp văn bằng, chứng chỉ trung bình từ 10.000 - 50.000đ/văn bằng, chứng chỉ; chi phí để in thẻ bảo hiểm y tế (2.000đ/thẻ)... Chi phí để sao y, chứng thực, công chứng từ 2.000-10.000đ/trang.
Trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước thì có thể lựa chọn các cách thức khác để khai thác thông tin của người dân (bao gồm cả thông tin tích hợp) qua kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công... (đây là cách phổ biến, tiết kiệm, sẽ phát triển, mở rộng trong thời gian tới).
Về cơ bản, hiện nay Bộ Công an đã bảo đảm các yêu cầu để thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa số liệu, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để phục vụ việc tích hợp thông tin; đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống, mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu công tác, đáp ứng việc chuyển đổi số ở bộ, ngành, địa phương mình.