Cần chính sách đãi ngộ cho nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ Tư, 03/05/2023 16:00

|

(CATP) Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,8%, lực lượng lao động dồi dào với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Lực lượng lao động thành thị có tốc độ tăng nhanh hơn khu vực nông thôn. Mức độ phát triển con người ngày càng cải thiện, chỉ số Phát triển con người của Việt Nam tăng từ 0,683 năm 2015 lên 0,702 năm 2020.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, cho biết mặc dù cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng so với các nước trong khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá chậm. Lao động trong ngành dịch vụ có tính “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức 0,8% năm 2020.

Chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm còn yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và các nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững.

Công nhân sản xuất linh kiện điện tử

Đặc biệt, chính sách thu hút, đãi ngộ chưa tạo được động lực để phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học có trình độ cao, tài năng trẻ. Chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay chưa cao, khoảng trên dưới 4.000 USD/năm. Vì vậy, bên cạnh việc tăng quy mô dân số, cần tăng năng suất lao động. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước thời điểm Việt Nam đạt mốc dân số 100 triệu người, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng để tận dụng thành công thời kỳ cơ cấu dân số vàng cần nhiều yếu tố, đòi hỏi những chính sách phù hợp. Đó là nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời cần tăng cường cơ hội việc làm, đặc biệt hướng tới những việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng suất lao động. Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách và đổi mới giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện thành công chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước, đồng thời đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phải đi đôi và gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ, với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đổi mới công tác quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực. Đặc biệt đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy Nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương theo nguyên tắc thị trường; xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc, trình độ và năng lực của người lao động. Ngoài ra, các bộ, ngành cần nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và sử dụng hiệu quả nhân tài; đồng thời, nhân rộng chính sách và kinh nghiệm thu hút nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài của các tập đoàn kinh tế.

“Chúng ta hy vọng trong một, hai thập kỷ tới, Việt Nam thực sự có đội ngũ nhân lực có tính chuyên nghiệp, năng lực, trình độ và kỹ năng cao, có đội ngũ nhân tài hùng hậu, trí tuệ để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường phồn vinh, có vị thế cao trên trường quốc tế”, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang