Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh nghĩ gì về ngày 30/4?

Chủ Nhật, 30/04/2023 06:29  | Nam Anh

|

(CATP) Trên hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, TPHCM luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Thành phố đã đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất. Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; Là TP dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Tuổi trẻ TPHCM với ngàn hoa kính dâng lên Bác Hồ

Anh Đỗ Hữu Chính, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Lực lượng TNXP: TPHCM đã thay đổi về nhiều mặt

Đỗ Hữu Chính, sinh ra và lớn lên tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp THPT anh đi bộ đội và đóng quân tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi rời quân ngũ, anh đi học tại Trường Đại học Nông lâm TPHCM. Tốt nghiệp ra trường, tháng 9/2002, Đỗ Hữu Chính được tuyển vào Lực lượng TNXP. Trong công việc, anh trải qua nhiều đơn vị như: Trường giáo dục và đào tạo việc làm số 3, 4 của Lực lượng TNXP. Sau đó, làm công tác Đảng và hiện là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đảng ủy Lực lượng TNXP.

Nói về sự phát triển vượt bậc của TP, anh Chính cho rằng, trước đây khi bước chân vào Sài Gòn, thành phố chỉ phát triển tập trung ở các quận 1, 3, 5. Ngoài ra, các quận như Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp... phát triển còn rất chậm. Ra đến khu vực ngoại thành như quận 2, 7, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh... cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà dân còn rất nhếch nhác.

Anh Đỗ Hữu Chính

Tuy nhiên, Sài Gòn - TPHCM là một đô thị lớn của cả nước. Trải qua thời gian, người dân từ các tỉnh thành tập trung về đây, nhu cầu phát triển đô thị ngày càng được mở rộng. Những năm 2000, người dân tập trung về TPHCM đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, các vùng nông thôn trồng hoa màu, lúa nước ở ngoại thành dần chuyển mình thành những khu dân cư sầm uất.

Hiện nay, Sài Gòn đã thay da đổi thịt nhiều. Các khu công nghiệp, khu chế xuất được mọc lên. Để phát triển kịp với nhu cầu, nhiều tuyến đường rộng thênh thang như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội... rộng 70 - 80m cũng được mở để kéo giảm tình trạng kẹt xe cho thành phố. Các dự án khu nhà ở, chung cư cao tầng cũng được mọc lên, dần thay thế cho những khu nhà ổ chuột lụp xụp. Nhiều công trình đô thị được triển khai xây dựng ngày càng đẹp. Nhiều công viên, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim... được xây dựng rất hoành tráng để phục vụ đời sống người dân.

Theo đó, cuộc sống của nhiều gia đình được thay đổi. Trước đây, nhiều khu vực chỉ là bãi sình lầy, ao rau muống, thì nay đã được san lấp, hình thành những khu nhà ở đẹp và khang trang. Những khu đô thị trong trung tâm được mở rộng khang trang, sạch đẹp. Đời sống của từng nhà, từng cá nhân được nâng lên rõ rệt.

Anh Nguyễn Cảnh Kiên, Phó giám đốc Công ty An Thiên Lý, Quận 1: Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế

Cứ mỗi dịp tháng 4 về, câu chuyện giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước luôn được gợi lại như một cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước mà bản thân tôi cũng hết sức quan tâm. Tôi sinh ra và lớn lên tại TPHCM sau ngày đất nước thống nhất, được học tập, sinh hoạt đoàn, đội và trưởng thành dưới mái trường XHCN. Hiện nay, tôi đang công tác ổn định ở một doanh nghiệp có trụ sở đóng tại quận 1, gần 20 năm.

Tôi luôn cảm thấy tự hào và vinh dự vì mình là công dân của TP, có thời gian gắn bó lâu dài với TP trong thời kỳ hòa bình, thống nhất. Tuy là thế hệ trẻ, nhưng tôi quan tâm đặc biệt tới lịch sử và sự hình thành của vùng đất này. Vì vậy, tôi đã dành nhiều thời gian để tham quan hầu hết các bảo tàng, công trình kiến trúc, di tích lịch sử trên địa bàn TP.

Một trong những nhà sử học mà tôi hay tìm hiểu tư liệu đó chính là cụ Vương Hồng Sển. Theo đó, tôi đã từng biết đến một Sài Gòn hoa lệ, một chính quyền bù nhìn mà Đế quốc Mỹ dựng lên. Tôi cũng từng biết rất nhiều anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để thành phố mang tên Bác có được như ngày hôm nay. Thành phố đang ngày càng thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ về quy mô, hạ tầng giao thông, cảnh quan kiến trúc đô thị hiện đại. Nếp sống của bà con ngày càng văn minh nghĩa tình.

Anh Nguyễn Cảnh Kiên

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Sài Gòn - TPHCM luôn khẳng định vai trò quan trọng với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như tiên phong, năng động, đi đầu trong công cuộc tái thiết, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1986 đến nay, TPHCM đã có những bước phát triển chuyển mình mạnh mẽ, phục hồi và tăng tốc trong nhiều năm qua.

Ngày nay, Đảng bộ, quân và dân Thành phố đang nỗ lực chung sức, đồng lòng, nỗ lực vươn lên để tiếp tục xây dựng TPHCM thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, TPHCM luôn là địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong, khẳng định tính hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội. Thành phố đã đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.

Những năm đầu thế kỷ XXI, TPHCM đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù của TP. Trên hành trình xây dựng và phát triển, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước.

Chị Lê Thị Mỹ Duyên, Kế toán Công ty TNHH Hatkhando - Việt Nam: Vươn lên ngang tầm với Châu Á

Hơn 20 năm sống và làm việc tại TPHCM tôi cho rằng, TP là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành quả phát triển của TP trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Trên hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn TP tăng bình quân 6,41%. Trong nhiều năm liền TPHCM luôn giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là công dân của TP, tôi mong muốn TP sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Chị Lê Thị Mỹ Duyên

Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM cần tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế... Trong đó, TP.Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới. Trong thời gian tới, TP cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, vành đai 4, các đường cao tốc, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là TP dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 14.500 USD, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối trung tâm Q1 sang Khu đô thị Thủ Thiêm
Một góc công viên Bến Bạch Đằng ngày nay

Bình luận (0)

Lên đầu trang