(CAO) Nêu quan điểm này, lãnh đạo Nhà nước cho rằng cần tính toán lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM. Việc này, theo Chủ tịch nước, là để “đảm bảo sự công bằng cho sự phát triển của TPHCM”.
Thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng nay (23/7), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một thực tế hiện nay là các nước càng phát triển thì mức vay của họ càng lớn.
“Quan trọng là khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn vay thế nào” – Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ TPHCM
Từ thực tế này, Chủ tịch nước trao đổi về việc tính toán mức điều tiết ngân sách cho TPHCM. Ông Phúc cho biết, khi còn làm Thủ tướng, cùng với ông Nguyễn Thiện Nhân (khi đó làm Bí thư Thành uỷ TPHCM) đều đã nhất trí tính toán lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM. Khi đó tỷ lệ điều tiết chỉ có TPHCM được tăng lên, và tăng khá lớn vì sự bất hợp lý trước đây. “Là do chúng ta làm kế hoạch tài chính ngân sách chưa được tốt” - Chủ tịch nước bình luận.
Việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, theo nhìn nhận của Chủ tịch nước, là đảm bảo sự công bằng cho sự phát triển của TP.
“Vì TPHCM phát triển được thì kéo theo sự phát triển của cả nước” - Chủ tịch nước lý giải. Theo ông, các tỉnh, thành khác cũng có thể đấu tranh, nhưng phải có lý.
Chia sẻ góc nhìn của một đại biểu TPHCM, ông Trần Hoàng Ngân cho biết, tổng thu ngân sách quốc gia đạt 6,8 triệu tỷ đồng thì số thu của TPHCM đạt 1,807 triệu tỷ đồng, nghĩa là đóng góp khoảng 26% số thu cả nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến thảo luận
Tuy nhiên, số chi của TP chỉ là 360.000 tỷ đồng, còn chuyển về Trung ương 1,4 triệu tỷ đồng. “Nhắc con số này để các đại biểu Trung ương chia sẻ, để nhìn thấy điểm nghẽn của TP vừa qua” – đại biểu Ngân giãi bày.
Vẫn theo ông Ngân, đợt dịch lần này khiến cho những điểm nghẽn càng nhìn thấy rõ, như hệ thống y tế quá tải, tỷ lệ đầu tư phát triển của TP quá thấp.
“Phải tính từng đồng từng xu như thế để đề xuất được cơ chế thế nào phù hợp, tích cực cho TP” – ông Ngân nói.
Chốt lại, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần quan tâm đến tỷ lệ điều tiết cho các động lực của nền kinh tế, cần làm sao để lại cho TP nhiều hơn để đầu tư cho phát triển, để TP tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu, đóng góp cho Trung ương.
Tán thành với đại biểu Ngân, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM) đề nghị, cần cơ cấu lại ngân sách Trung ương và địa phương, tức tăng về Trung ương nhưng có tính đến sự cân đối đặc thù của một số địa phương như Hà Nội, TPHCM.