Cán bộ yếu kém làm mất uy tín của chính quyền
Câu chuyện anh CN đi mua bánh mì ở TP.Nha Trang bị lực lượng chức năng, trong đó có 1 phó chủ tịch (PCT) UBND phường, dừng xe và kiểm tra, xử lý vi phạm vì cho rằng anh này ra đường khi không cần thiết, vi phạm Chỉ thị 16. Dù anh CN đã xuất trình giấy tờ, giải thích lý do ra đường để mua bánh mì, nhưng CB kiểm soát chốt chặn không đồng tình và cho rằng "bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu". Anh CN không chỉ bị giữ xe, mời về phường đóng phạt, mà còn bị vị PCT phường mắng những lời lẽ phản cảm, thậm chí đòi đuổi việc. Đáng nói là vị PCT phường này còn quay video làm bằng chứng, sau đó đưa lên mạng.
Clip quay lại cảnh này khi lan truyền trên mạng xã hội khiến người dân bức xúc với hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Vụ việc sau đó đã được UBND TP.Nha Trang can thiệp, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo xử lý. Sự việc không chỉ làm mất uy tín CB phường sở tại mà liên lụy cả cấp cao hơn, làm mất uy tín chính quyền một cách không đáng có.
Qua vụ việc này, chúng ta thấy trước hết đang tồn tại một bộ phận CB cơ sở yếu kém, quan liêu, cửa quyền một cách phi lý để đi đến kết luận "bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu". Từ đó, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa lại ra văn bản "định nghĩa" thế nào là "mặt hàng thiết yếu" và ngay sau đó, Cần Thơ cũng ra văn bản tương tự để hướng dẫn CB dưới quyền nắm rõ những mặt hàng thiết yếu gồm những gì...
Tại Long An, 1 trường hợp cũng bị tổ kiểm tra phòng chống (PC) dịch Covid-19 của xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An lập biên bản vì ra đường tìm mua... bắp luộc! Có lẽ vị CB này cũng hiểu bắp luộc không phải là thực phẩm thiết yếu?
Câu chuyện "bánh mì”, tư duy kiểu... "bánh mì” lên đến diễn đàn QH, khi sáng 21-7 Ủy ban Thường vụ QH trình Chương trình dự kiến giám sát của QH năm 2022. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị QH thay 2 chương trình giám sát, gồm chuyên đề về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 bằng 2 chuyên đề giám sát khác, mà theo ông thấy là người dân đang rất bức xúc.
Chia lại phần gạo, rau và trái cây cho anh Dương Thanh Dân đại diện các hộ dân nghèo tại ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh
Theo ông Vân, chuyên đề thứ nhất nên là chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động CB. Ông Vân lấy ví dụ về chuyện "bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu" ở Nha Trang. "Vị này được luân chuyển từ 1 phòng chuyên môn của thành phố xuống phường. Dư luận đặt câu hỏi 1 CB như vậy mà làm ở vị trí trụ cột của phường, là mắt xích cuối cùng nối Nhà nước với nhân dân thì uy tín như thế nào?", đại biểu Vân đặt vấn đề.
Từ đó, ông Vân nêu vấn đề giám sát chuyên đề về CB này có kết quả sẽ thúc đẩy mạnh mẽ với QH và Chính phủ xốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược của 5 năm tới.
Ở đây chỉ nói về công tác PC dịch thôi, nếu CB cơ sở yếu kém, cửa quyền kiểu đó, làm sao điều hành quản lý Nhà nước ở các cấp địa phương?
Chống dịch đừng quá cứng nhắc
Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Công tác PC dịch đang rất quyết liệt và hết sức khẩn trương; người dân cũng đang rất căng thẳng, lo âu, tâm lý ai cũng muốn dịch qua mau để trở lại cuộc sống bình thường, làm ăn sinh sống.
Vấn đề của CB ở đây là phải biết cách thuyết phục người dân chấp hành nghiêm pháp luật, chỉ có những hành động quá quắt mới phạt, thậm chí có thể phạt nặng. Phạt, phạt nặng cũng chỉ là việc phải làm để cảnh báo, có tính răn đe, vì lợi ích của cộng đồng, chứ không phải để thể hiện quyền uy.
Hãy xem cách thiếu tá công an Nguyễn Anh Duy, Phó công an P.Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuyết phục người dân đóng cửa 1 tiệm bán hàng để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Thiếu tá Duy không dùng quyền lực bắt người dân đóng cửa, mà chỉ bằng những lời nhỏ nhẹ, nhắc nhở, thuyết phục họ chấp hành và ngay lập tức người dân đã tuân thủ. Câu chuyện thuyết phục của thiếu tá Nguyễn Anh Duy được các báo đăng lại, lan truyền trên mạng xã hội, được người dân ủng hộ.
Tại TPHCM và 18 tỉnh, thành phía Nam đang có nhiều chốt kiểm tra để thực hiện việc giãn cách xã hội. Ngay tại TPHCM cũng có những chuyện người dân ra đường không cần thiết, bị lực lượng chức năng nhắc nhở, xử phạt, có khi phạt rất nặng. Bị phạt, cũng có người phản ứng, thậm chí gay gắt, nhưng rồi cũng phải chấp hành vì hành vi sai trái của mình. Vấn đề cơ bản là người xử lý phải có tình có lý, đừng cứng nhắc, quá nguyên tắc, trong khi áp lực xã hội, áp lực PC dịch đang rất căng thẳng.
Chúng ta đang tận dụng những "giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng" để dập dịch nhanh nhất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Yêu cầu đó đòi hỏi người dân phải chấp hành nghiêm các quy định PC dịch. Hơn đâu hết, trên lĩnh vực PC dịch phải có sự hợp tác tích cực của người dân. Nếu chỉ một mình lực lượng chức năng, Nhà nước chống dịch thôi thì sẽ thất bại. Người dân phải biết rất rõ rằng chống dịch là vì sức khỏe, sinh mạng của chính mình, vì cộng đồng, vì vậy cần có sự hợp tác nghiêm túc. Cán bộ cũng vậy, đặc biệt CB cơ sở gần dân, sát dân, phải hiểu dân để thuyết phục người dân hợp tác, cùng chống dịch thì mới thành công.