Lực lượng Công an TPHCM:

Góp phần quan trọng bảo vệ thành quả Cách mạng, bảo vệ Nhân dân và giữ bình yên Thành phố

Chủ Nhật, 30/04/2023 06:18

|

(CATP) Nhìn lại chặng đường 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an TPHCM, mỗi cán bộ, chiến sĩ tự hào về những trang sử hào hùng vẻ vang của lực lượng Công an TP, góp phần tô thắm thêm truyền thống oanh liệt của Công an nhân dân Việt Nam. Công an TPHCM liên tục lập nên những chiến công đáng tự hào trong thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid-19. Công an TPHCM cũng nhận thức rất sâu sắc nhiều vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt về an ninh phi truyền thống.

Khởi nguồn từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 26/8/1945, "Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ" được thành lập, trực tiếp phụ trách địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn với nhiệm vụ trấn áp tình báo, gián điệp, phản cách mạng, tham gia xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở các địa phương, tuyên truyền, giáo dục vận động quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến, giúp Quốc gia tự vệ cuộc bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng còn non trẻ và chuẩn bị lực lượng đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Từ đó lực lượng Công an cùng đất nước trưởng thành và phát triển vượt bậc.

Lực lượng Công an TPHCM ra quân tấn công, trấn áp tội phạm giữ vững bình yên cho người dân và tạo tiền đề cho Thành phố phát triển

Công an TPHCM hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Đến nay lực lượng Công an TPHCM tự hào với 78 năm cùng đất nước trưởng thành và phát triển, đặc biệt với dấu mốc thành lập Ban bảo vệ an ninh khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là ANT4) ngày 19/3/1961. Lực lượng ANT4 đã có nhiều thành tích đặc biệt trong chống Mỹ cứu nước. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, Lực lượng ANT4 với tên gọi mới là Ban An ninh nội chính (tức Công an TP) đã góp nhiều công sức trong việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, vừa tập trung trấn áp các tàn dư của chế độ cũ, đặc biệt bọn phản cách mạng và thực hiện tốt chính sách khoan hồng - đầy tính nhân văn, nhân đạo của Đảng nên được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ngày 03/7/1976, Quốc hội chính thức quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là TP.Hồ Chí Minh, theo đó Ban An ninh Nội chính Sài Gòn - Gia Định chính thức đổi tên thành Sở Công an TPHCM. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM, của Đảng bộ Bộ Công an qua các thời kỳ, lực lượng Công an TPHCM đã trải qua những chặng đường lịch sử cùng với TPHCM và cả nước, xây dựng nên một TPHCM mang tên Bác rực sáng như ngày hôm nay. Lực lượng Công an TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần đập tan mọi âm mưu của các thế lực phản động, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Công an TPHCM vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1981); Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều Huân chương quân công, chiến công các loại là một minh chứng cho thấy lực lượng Công an TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước nhân dân TP, trước Đảng. Đặc biệt trong năm 2021, TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam đã trải qua đại dịch Covid-19 lần thứ 4, có thể xem là trận đại dịch lớn nhất chưa có tiền lệ mà nước ta phải gánh chịu.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt "Lực lượng Công an Nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội", đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi, là niềm cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ phong trào thi đua, đã xuất hiện hàng trăm điển hình tiên tiến, việc tử tế, cách làm sáng tạo và những tấm gương dũng cảm hy sinh, sẵn sàng lao vào tâm dịch để chống dịch.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Tại TPHCM, phong trào thi đua đã có những sáng tạo chưa từng có, làm nên những điểm sáng rực rỡ của phong trào. Điển hình là Chương trình "Công an TPHCM - Hạt gạo nghĩa tình" do Chuyên đề Công an TPHCM cùng Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an TPHCM phối hợp thực hiện. Hơn 3.000 tấn gạo được các chiến sĩ Công an trao tận tay người dân thực sự làm cho nghĩa tình quân dân ấm hẳn lên trong sự khốc liệt của đại dịch.

Xong đại dịch, Công an TPHCM tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm an ninh trên mọi mặt trận và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong năm 2022, Công an TPHCM đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; chú trọng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, tuần tra vũ trang giữ gìn an ninh, trật tự, khép kín địa bàn, giải quyết tốt những vấn đề phức tạp nổi lên. Qua đó, tình hình tội phạm được kiềm chế, kéo giảm 7,37% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 xảy ra). Điều tra khám phá các vụ án về hình sự, tham nhũng, kinh tế, ma túy, môi trường, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Chiến công đặc biệt của lực lượng Công an TPHCM là liên tục triệt phá nhiều vụ án liên quan "tín dụng đen", góp phần đảm bảo trật tự trị an trên địa bàn thành phố.

Nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin, bảo đảm phục vụ công tác chuyển đổi số cũng như tác chiến hiệu quả trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống

TPHCM là TP lớn nhất nước, là địa bàn chiến lược, trọng điểm về kinh tế, chính trị, xã hội, nên vấn đề an ninh phi truyền thống đang trở thành một lĩnh vực thứ yếu cần được quan tâm đúng mức trong tiến trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Lãnh đạo Công an TPHCM nhận thức rằng an ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ Nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao gồm: an ninh môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh khí hậu, an ninh thị trường, an ninh năng lượng, an ninh tiền tệ, an ninh về sở hữu trí tuệ, an ninh công nghệ, an ninh về giáo dục, an ninh về y tế, an ninh tài nguyên - môi trường, an ninh với tội phạm có trình độ cao và rất cao.

Các nữ chiến sĩ CSGT Công an TPHCM

Trong đó có những vấn đề mới mẻ như về an ninh biến đổi khí hậu, an ninh trong tài nguyên - môi trường. Đặc biệt, an ninh mạng đã, đang là vấn đề nổi cộm hiện nay khi tội phạm công nghệ cao gia tăng, diễn biến phức tạp, sử dụng không gian mạng tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tấn công phá hoại, gây đình trệ hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân... Ngoài ra, còn một số biểu hiện khác, như: tội phạm xuyên quốc gia, mua, bán người, ma túy... phức tạp nhất là tội phạm ma túy tại các địa bàn biên giới.

An ninh tiền tệ cũng là một mối nguy đáng báo động. Các hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm ngày càng phức tạp nhằm chuyển những đồng tiền phạm pháp thành tiền sạch thông qua các hoạt động kinh tế nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, mà TPHCM là điểm nóng dễ thấy.

Các vấn đề khác như an ninh trong y tế, giáo dục, cũng rất đáng quan tâm. TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn của cả nước, có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu..., với cả triệu sinh viên, học sinh đang nghiên cứu học tập. Và đây là lực lượng trẻ, nòng cốt để phát triển đất nước trong tương lai. Do đó, bọn tội phạm thường xuyên "tấn công" vào lực lượng trẻ này, để làm suy yếu thế hệ trẻ, suy yếu lực lượng sinh viên, học sinh. Vì thế, An ninh trong giáo dục là lĩnh vực được Đảng ủy và Ban giám đốc Công an TPHCM quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, sớm ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại tác động đến giáo dục. An ninh thị trường cũng là vấn đề Công an TPHCM quan tâm chỉ đạo lực lượng Công an thành phố phối hợp cùng các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống các hành vi xâm phạm đến hoạt động an toàn của thị trường, để người dân tham gia hoạt động sản xuất, phát triển thương mại được bền vững, đúng hướng.

Lực lượng CSCĐ Công an TPHCM tập luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân trên Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu

Lãnh đạo Công an TPHCM luôn có ý thức nâng cao nhận thức về những biểu hiện mới và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Việc nâng cao nhận thức về vấn đề này được tiến hành thường xuyên, liên tục cả về bề rộng lẫn chiều sâu, coi giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để phát triển bền vững đất nước, phát triển để giữ vững an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển. Bên cạnh đó, cần làm rõ nhận thức về nội hàm an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng như những biểu hiện mới, trọng tâm của an ninh phi truyền thống hiện nay. Trên cơ sở đó huy động sự chủ động, tích cực tham gia của mỗi người dân và cả cộng đồng vào phòng ngừa và ứng phó.

Luôn chủ động ngăn ngừa các nguy cơ, nhất là nguy cơ gây đột biến từ an ninh phi truyền thống. Lãnh đạo Công an TPHCM nhận thức, những nguy cơ này về cơ bản đến từ mọi mặt của đời sống, xã hội, trọng tâm là an ninh con người. Do đó, nâng cao năng lực dự báo để chủ động kịp thời nhận diện và nắm bắt những nguy cơ này từ sớm, từ xa, chủ động dự kiến một số tác động của nó để xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Công an TPHCM rất quan tâm đến việc tăng cường hợp tác quốc tế phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống không lộ diện ngay nguy cơ nhưng đây là sự "hủy diệt ngầm" thách thức đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, uy hiếp và hủy hoại trực tiếp đến các yếu tố tạo nền tảng sinh tồn và phát triển của con người, cộng đồng, xã hội, quốc phòng, an ninh, quốc gia - dân tộc và toàn nhân loại. Vì vậy, nhận thức đầy đủ về những biểu hiện và tác động của an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay, và sớm tìm kiếm những giải pháp được gợi mở, góp phần tăng cường tính chủ động và hiệu quả trong ứng phó bảo đảm an ninh con người, an ninh quốc gia, phù hợp với chủ trương "bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Bình luận (0)

Lên đầu trang