Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2, công trình kỳ vọng của nhân dân phía Nam
Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) đặt tại số 12, đường 400, phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, được khởi công vào tháng 6/2016 với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế với nhiều máy móc hiện đại, được khánh thành một phần vào ngày 12/10/2020.
Tháng 7/2021, giữa lúc dịch Covid-19 đang khốc liệt tại TP, cơ sở BV Ung bướu được Bộ Y tế và TPHCM trưng dụng làm BV Hồi sức Covid-19. Đến tháng 3/2022, BV Hồi sức Covid-19 hoàn thành sứ mệnh, bàn giao cơ sở cho BV Ung bướu sắp xếp, triển khai hoạt động khám chữa bệnh. Nhờ đó, hơn 5.000 người bệnh mắc Covid-19 trong tình trạng nặng và nguy kịch đã được các cơ sở cách ly, các bệnh viện tuyến trước chuyển đến Trung tâm Hồi sức Covid-19 để được can thiệp điều trị, hồi sức chuyên sâu. Hàng nghìn người bệnh mắc Covid-19 nặng, nguy kịch trong tình trạng "thập tử nhất sinh" đã được cứu sống...
Phòng mổ hiện đại của Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2)
Đầu năm 2023, bệnh viện chính thức đi vào vận hành toàn bộ, với kỳ vọng giảm tải cho cơ sở 1, trở thành trung tâm chuyên sâu về ung thư của khu vực ASEAN. Đây là một trong nhiều công trình y tế trọng điểm của ngành y tế TPHCM nhằm chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, không chỉ được chuyển sang cơ sở mới rộng rãi, khang trang, đầy đủ các tiện ích phục vụ người bệnh, nhiều trang thiết bị chuyên khoa hiện đại phục vụ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện còn có 16 phòng mổ hiện đại, sân bay ngay trên nóc nhà bệnh viện, sẵn sàng trở thành điểm tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến bằng máy bay trực thăng trong tương lai không xa. Số liệu đầu năm 2023 cho thấy, mỗi ngày có khoảng 2.000 - 3.000 người bệnh đến khám bệnh tại đây.
Với cơ sở mới, bên cạnh các tiện ích phục vụ người bệnh, chắc chắn thời gian chờ mổ, chờ xạ trị... sẽ được rút ngắn dần so trước đây. "Tất cả sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn và chất lượng điều trị ngày càng hiệu quả hơn, hướng đến đóng góp xây dựng thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN", ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Toàn cảnh cầu Ba Son
Công viên Bạch Đằng và cầu Ba Son: Hồi sinh "hồn" đô thị
Công viên bến Bạch Đằng trước đây từng là bãi giữ xe, một đầu của bến phà Thủ Thiêm nối Q1 với Q2 và là nhà điều hành của các doanh nghiệp hoạt động tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu.
Tháng 5/2021, UBND TPHCM chính thức thông qua phương án cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, theo đề xuất của Sở QH-KT. Hơn nửa năm sau, dự án với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6ha chính thức mở cửa cho người dân tham quan. Thiết kế mới kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực trưng bày súng thần công, tạo hình mềm mại ôm theo bờ sông. Ngoài ra còn có một chút cách điệu cánh hoa sen, cách đó không xa là Bến Nhà Rồng - địa điểm gắn bó với Bác Hồ. Từ đó đến nay, công viên bến Bạch Đằng trở thành điểm thu hút rất nhiều người dân tham quan, ngắm cảnh, thể dục...
Nhiều cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới vì vẻ đẹp hiện đại và rất mới mẻ. Cảnh quan công viên ven bờ sông Sài Gòn đã thay đổi rõ rệt so với trước. Diễn ra tại bến Bạch Đằng vào mỗi chiều thứ bảy hằng tuần, dự án nghệ thuật cộng đồng đặc sắc đã dần trở thành điểm hẹn của những người dân TP yêu âm nhạc, tới để giải tỏa áp lực sau 1 tuần làm việc đầy áp lực. Nghe nhạc và ngắm hoàng hôn trên bến Bạch Đằng, anh Nguyên Phong (ngụ Q.Gò Vấp) gọi đó là "thú vui tao nhã” của anh. "Thuê xe đạp công cộng lượn một vòng quanh trung tâm TP mới ngỡ ngàng nhận ra bến thuyền cũ kỹ ngày nào nay đã thay đổi thật rồi. Ra đây ngắm hoàng hôn, ngắm nhìn về hướng Thủ Thiêm đẹp lắm. Hồn đô thị đã hồi sinh", anh Phong vui vẻ bày tỏ.
Từ bến Bạch Đằng nhìn sang, nổi bật lên hình ảnh cầu Ba Son với thiết kế dây văng ấn tượng được đưa vào sử dụng, không chỉ để giải tỏa ùn tắc nghiêm trọng cho loạt tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Cảnh... mà để kéo gần hơn đôi bờ sông Sài Gòn, mở lối sang Thủ Thiêm.
Người dân vui chơi tại công viên Bạch Đằng, Quận 1
Kênh Nước Đen không còn đen nữa
Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) đến khu vực cầu Tham Lương (Q12, TPHCM) từ nhiều năm qua vốn là "điểm đen" báo động về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống người dân cũng như làm mất mỹ quan đô thị. Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) được khởi công vào quý I/2020 với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng. Công trình thực hiện trên chiều dài 1,4km, rộng 40m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh.
Sau khi cải tạo, lòng kênh đến nay được nạo vét bùn và rác, không còn cảnh người dân khổ sở vì rác thải, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên như trước đây. Thay vào đó, người dân thoải mái câu cá, đi dạo 2 bên bờ kênh đã được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5m và làm vỉa hè rộng gần 1m cho người đi bộ. Lòng đường 2 bờ kênh thông thoáng hơn sau khi mở rộng, thảm nhựa cho 2 làn xe chạy và lắp hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, lát vỉa hè...
Ngoài việc cải tạo dọc đôi bờ kênh sạch sẽ, thông thoáng, Ban Quản lý dự án còn chỉnh trang lại công viên ven kênh, tạo cảnh quan xanh, lắp các tiện ích để người dân tập thể dục, thưởng ngoạn... Sự thay đổi rõ rệt của con kênh từng một thời là nỗi ám ảnh đã khiến người dân vô cùng phấn khởi.
Cùng với đó, cuối năm 2022, nhánh 2 cầu Bưng (kết nối quận Bình Tân và quận Tân Phú) trên tuyến đường Lê Trọng Tấn chính thức được tháo dỡ để xe lưu thông. Nhánh 2 của dự án xây dựng cầu Bưng dài 555m, có tổng mức đầu tư 515 tỷ đồng, bắc qua kênh Tham Lương nhằm thay thế cây cầu hiện hữu nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng, liên tục gây ùn tắc giao thông trong nhiều năm qua.
Trước đó, vào tháng 12/2021, nhánh 1 của cầu Bưng đã được khánh thành, thông xe. Cầu Bưng hoàn thành tạo tiền đề thuận lợi làm tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, qua đó giúp đồng bộ giao thông đường bộ, giao thông đường thủy...