Phần thưởng cao quý của bác là phần thưởng của đồng bào miền Nam trao tặng
Những điều cần nói về Bác Hồ với miền Nam và nhất là miền Nam với Bác Hồ nhiều đồng chí đã tham luận rất phong phú, nhất là những đồng chí đã từng hoạt động và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Biết bao nhiêu là lý luận, và tình cảm thì tràn đầy. Vì vậy, đồng chí Hà Huy Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Linh và Ban tổ chức cuộc hội thảo này bảo tôi tranh thủ nói những mẩu chuyện về Bác Hồ ba ngày qua ở giữa Hội trường Thống Nhất của thành phố đông dân nhất của cả nước, được vinh dự to lớn và trách nhiệm càng to lớn hơn, là được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã được nghe nhiều đại biểu, nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước phân tích những cái lớn, cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên hết và có một điều mong muốn cuối cùng là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Thật là một điều mong muốn ngắn gọn mà sao lý tình trọn vẹn đầy đủ, tha thiết thể hiện được ý chí của toàn dân. Ý chí ấy, 6 năm sau khi Bác Hồ qua đời, quân dân ta đã thực hiện thắng lợi: Tổ quốc ta đã thống nhất, đồng bào Nam - Bắc đã sum họp một nhà. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã nói rõ trong lời Di điếu Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lúc còn sống, Người luôn luôn theo sát từng bước đi của cách mạng giải phóng miền Nam, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam với tấm lòng thương yêu không bờ bến. Cho nên, chúng tôi xoay quanh ý đó, tranh thủ kể lại một số mẩu chuyện nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày của Bác để chúng ta càng nhớ Bác Hồ, càng cố gắng phấn đấu tốt hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch, ngày 15/11/1965 (Ảnh tư liệu)
Gặp đồng chí Trần Văn Giàu ở đây, tôi nhớ hồi năm 1946, đồng chí cùng sinh hoạt trong chi bộ của Bác Hồ mà tôi là Bí thư. Về Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Bác bảo tôi: "Mấy chú này phải sinh hoạt trong chi bộ với Bác để Bác quản", và đúng là mấy đồng chí này chỉ có Bác Hồ mới "quản" nổi, điều tỏ rõ sự quan tâm của Bác với số trí thức Nam bộ được ở cạnh Bác trong những ngày đầu kháng chiến. Các "ông" này không sợ tôi đâu, vì các ông bảo cái thằng này chỉ búng một cái là ra sữa, sợ là chỉ sợ Bác Hồ, lôi thôi tôi đi báo cáo Bác thì khốn!
Các đồng chí thường nghe Bác Hồ nói: Việt Nam chưa thống nhất, Bác chưa làm tròn trách nhiệm, Bác chưa nhận Huân chương Sao Vàng, để sau này miền Nam được giải phóng, để miền Nam được hưởng trước, rồi để đồng bào miền Nam sẽ trao tặng Bác. Bác luôn luôn tự cho rằng nước nhà chưa thống nhất, thì Bác chưa làm tròn trách nhiệm.
Chuyện Huân chương Sao Vàng thì các đồng chí đều nhớ, nhưng còn chuyện nữa: Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô có đề nghị với Bộ Chính trị ta tặng Bác Hồ Huân chương Lê-nin. Các đồng chí trong Bộ Chính trị nể quá, không nhận không được, các đồng chí đề nghị với Bác: "Thưa Bác, xin Bác cứ nhận". Bác bảo: "Các chú có cách nói của các chú. Bác có cách nói của Bác". Bác cũng lại đem chuyện đó ra Bác nói với bạn, Bác cảm ơn việc đó, nhưng nước Việt Nam chưa thống nhất, nên chưa nhận. Thế đó, không phải chỉ trong nước mà cả với quốc tế, Bác cũng tự đặt trách nhiệm của Bác, của toàn dân ta, là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bác đã đi và đã về trong trái tim đồng bào miền Nam
Có những lúc tâm sự với chúng tôi, với một vài anh em thân thiết ở gần hay một số cán bộ các địa phương, Bác nói: "Bác thì đã đi đến nơi rồi nhưng Bác chưa về đến chốn". Chưa về đến chốn? Có thể hiểu là từ năm 1911, Bác ra đi từ Cảng Sài Gòn, rồi đi khắp nơi, 30 năm sau mới về đến Pác Bó, vào năm 1941. Đến năm 1957, Bác có đi thăm một số tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và cũng chỉ tới thị xã Đồng Hới. Định đi tới Vĩnh Linh, nhưng có điện ở Hà Nội bảo vào là ở bên kia giới tuyến địch biết tin đã chuẩn bị khác thường, nên Bộ Chính trị đề nghị Bác không vào Vĩnh Linh. Bác chỉ dừng lại Đồng Hới, và mời đại diện đồng bào Bình Trị Thiên ra gặp Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (20/7/1968)
Đó cũng là lần đầu Bác trở về thăm quê hương. Các đồng chí nhớ là, năm 1905, mới 15 tuổi, Bác rời quê hương ra đi, năm 1911 xuống tàu, đến 1957 mới trở về. Thế là Bác đã xa quê từ 15 tuổi, lần này trở về 67 tuổi, sau 52 năm. Bác nói với cán bộ và đồng bào rằng, thường nhiều năm xa quê trở về, là mừng mừng, tủi tủi nhưng Bác chỉ thấy mừng mừng. Vì trước khi ra đi đồng bào ta còn sống trong nô lệ, nay về được tự do. Câu thơ Bác làm theo lối ứng khẩu ngay trong cuộc mít-tinh: Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
Bác từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình (lúc bấy giờ có anh Nguyễn Chí Thanh cùng đi). Ở Đồng Hới, để đề phòng địch cho máy bay oanh tạc, chúng tôi phải chuẩn bị để Bác nói chuyện với đồng bào từ sáng sớm. Từ 5 giờ đến 6 giờ xong, thế mà phải chuẩn bị cho cuộc họp suốt đêm trước. Đêm Bác ngủ lại, và đêm đó chính là đêm Bác nói: "Bác đi đến nơi, nhưng chưa về đến chốn". Các đồng chí Tỉnh ủy Quảng Bình bố trí Bác ngủ lại trong doanh trại của bộ đội bên bờ biển. Bác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, và chúng tôi cùng ngủ một gian. Bác bảo tôi: "Kỳ, cứ để các chú ấy chuẩn bị, còn Bác cháu ta cứ chờ mọi người ngủ yên thì vác chiếu ra trải ngoài đầu hồi, nằm đấy gió mát ngoài biển thổi vào thú bao nhiêu, nằm trong này chán lắm".
Nhưng khi biết Bác cháu tôi ra ngoài nằm, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và anh em khác, cùng tất cả anh em bộ đội, cũng ra nằm cả ngoài bãi biển. Bác nằm giữa, anh em nằm bao quanh Bác. Và đêm ấy, Bác kể chuyện cho chúng tôi nghe. Bác nói chuyện ngày xưa Bác vào Huế, vào Phan Thiết, rồi Bác đến Sài Gòn như thế nào. Rất nhiều chuyện, bây giờ tôi chưa có thì giờ kể lại. Bác kể: Đi dọc đất nước, một điều nhớ mãi, là ở đâu cũng thấy đất nước rất đẹp, nhưng sao dân khổ thế? Còn kỷ niệm về Sài Gòn, Bác nhắc lại ngày ấy ở Sài Gòn có món cơm hến, gạo tấm rất ngon.
Rồi Bác nói câu này: "Từ bao giờ, mình bắt đầu rời Sài Gòn ra đi, đi mãi mãi, về đến Pác Bó, rồi bây giờ mới vào tới Đồng Hới. Còn từ Đồng Hới, vào tới Sài Gòn, không biết bao giờ mình mới khép được trọn vẹn cái vòng tròn này". Cho nên Bác đã đi đến nơi rồi - tuy Bác không giải thích, nhưng chúng ta có thể hiểu là Bác đã đi đến Pháp, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đến Nga, tham gia các Đại hội Quốc tế, mang chủ nghĩa Mác - Lê-nin về, thế là đến nơi rồi, nhưng về chưa đến chốn?
Theo tôi hiểu, Bác muốn nói, Bác chưa về tới Sài Gòn, "chốn" là Sài Gòn. Cho nên, hôm nay ngồi giữa hội trường mang tên Thống Nhất này, tôi nghĩ, nếu cuộc mở đầu của chúng ta thành công, sau đó phát huy được kết quả thật nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thì chính là chúng ta đã đón Bác về đến Sài Gòn, về đến miền Nam, khép kín trọn con đường mà Bác mong muốn.