Đề xuất nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó nguy cơ đe doạ an ninh kinh tế

Thứ Ba, 16/05/2023 19:10  | Hồng Cường

|

(CAO) Sáng 16-5, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội ) tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp, phương án phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Tham dự Hội thảo có Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống; TS Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cùng nhiều học giả, nhà khoa học.

Quang cảnh hội thảo.

Tình hình an ninh kinh tế diễn biến phức tạp

Từ năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn khi phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19. Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 56.489 dự án đầu tư trong nước và 4.047 dự án đầu tư ngoài nước; thu hút hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có 53% lao động nhập cư và hơn 23.000 người nước ngoài đến làm việc, cư trú.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 530 doanh nghiệp giải thể, 1.353 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; khoảng 250.000 người lao động bị cắt giảm giờ làm, 129.125 người mất việc làm, 37.000 nghỉ không lương, 80.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Cũng trong thời gian này toàn tỉnh ghi nhận có 71 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc với 30.471 lượt công nhân tham gia; 2 vụ, 50 công nhân tập trung trước công ty yêu cầu trả lương do công ty ngưng hoạt động… Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình ANTT, an ninh công nhân.

Theo Trung tá Trịnh Lương Huỳnh, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, hầu hết các vụ đình công, ngừng việc tập thể xảy ra đều mang tính chất tự phát, không tuân thủ trình tự thủ tục pháp luật. Các yêu cầu, kiến nghị của công nhân chủ yếu xuất phát từ lợi ích cá nhân nhưng chưa được chủ doanh nghiệp quan tâm giải quyết thỏa đáng và do ít hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc người lao động bức xúc, tự ý ngừng việc, đình công.

Một số đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng (Zalo, Facebook, Youtube...) tuyên truyền kích động công nhân tụ tập đông người, biểu tình, làm ảnh hưởng ANTT. Trong khi đó, nhận thức, hiểu biết chính trị, pháp luật của công nhân hạn chế; hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp FDI chưa phát huy hiệu quả; công nhân trong các doanh nghiệp dễ bị lôi kéo, lợi dụng tham gia vào các cuộc đình công, biểu tình…

“Hiện nay, Phòng An ninh kinh tế luôn chủ động chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống phức tạp về ANTT xảy ra tại khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là hoạt động tập trung đông người khiếu kiện, đình công, lãn công, biểu tình gây rối ANTT”- Trung tá Trịnh Lương Huỳnh, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Dương khẳng định.

Đề xuất của các chuyên gia

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống:

Tiếp cận từ góc độ khoa học an ninh phi truyền thống, các nguy cơ đe dọa ANKT trên địa bàn tỉnh Bình Dương bao gồm: Các nguy cơ đe dọa làm mất ổn định kinh tế; các điều kiện về chính sách, hạ tầng phát triển kinh tế; các xung đột xã hội làm mất ổn định và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa; tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, tình hình "chảy máu" chất xám…

Để đối phó với các nguy cơ trên, Bình Dương cần xây dựng các kịch bản về công tác chỉ đạo, chỉ huy cấp tỉnh và huyện (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương) trong phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa ANKT; kịch bản khung phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các xung đột trong các doanh nghiệp nói riêng và địa bàn toàn tỉnh nói chung...

 
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống phát biểu

Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp - Trưởng ban Chuyên đề Công an TPHCM:

An ninh phi truyền thống luôn là vấn đề thách thức sự phát triển, ổn định bền vững của địa phương, vì vậy Bình Dương cần tập trung các giải pháp:

Nâng cao nhận thức cho các cấp ngành, lực lượng và toàn xã hội về những biểu hiện mới và các mối đe doạ an ninh phi truyền thống; Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ, nhất là nguyên nhân gây đột biến từ an ninh phi truyền thống; Tăng cường giáo dục tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh cần tăng cường tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh công nhân, nhất là công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ các đối tượng, các cơ sở xã hội dễ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội để chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp làm trong sạch địa bàn, bảo vệ an ninh, an toàn, tính mạng cho người dân; Tăng cường hợp tác quốc tế, phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với những mối đe doạ an ninh phi truyền thống...

Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp hiến kế tại hội thảo

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương:

Bình Dương cần tập trung những giải pháp như sau: Tiếp tục xây dựng, triển khai chiến lược, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng công nghệ cao, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên thu hút ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và thu hút những ngành nghề dịch vụ chất lượng cao.

Tiếp thị định hướng đầu tư của tỉnh vào các ngành công nghệ cao đến các nhà đầu tư, thị trường thu hút đầu tư tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu; nghiên cứu chính sách khuyến khích các chủ đầu tư khu công nghiệp để dành quỹ đất trong các khu công nghiệp hiện có cho các nhà đầu tư công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao.

Phải tích cực tuyên truyền vận động doanh nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo, tìm kiếm, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng để phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ từ hoạt động chuyển giao công nghệ; đồng thời yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại địa phương nhằm tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ; nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh kết nối, tham gia chuỗi cung ứng.

Bình Dương nên tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt các tuyến đường giao thông trọng điểm, mang tính chất lan tỏa và kết nối với các tuyến đường trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động; tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề; đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh trở thành trường chất lượng cao, đào tạo đa ngành nghề, trong đó có các nghề trọng điểm chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia và các ngành, nghề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang