Quy định mới về xuất nhập cảnh góp phần tích cực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 17/05/2023 13:20

|

(CATP) Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm các mục đích: góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Về đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua thời gian triển khai cấp thị thực điện tử, từ giai đoạn thí điểm năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng. Sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước giai đoạn dịch Covid-19 (từ ngày 15/3/2022) đến nay, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ thời gian trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, do thời hạn thị thực điện tử ngắn (đến 30 ngày) nên chưa thu hút được nhiều hơn người nước ngoài, nhất là số người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày tại Việt Nam, số người có nhu cầu khảo sát, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tương đối dài ngày.

Do đó, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa. Việc này còn tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng phù hợp với thời gian lưu trú đối với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng như cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định FTA. Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt nhân sự trước, do đó, so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc đối với nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.

Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo, giải trình về các quy định mới của dự Luật tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về việc nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua các nghiên cứu về xu hướng du lịch của ngành du lịch, khách từ các thị trường xa như châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia. Ngành du lịch định hướng thu hút khách nghỉ dưỡng biển, lưu trú dài ngày để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch biển, trong khi đó, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày.

Do đó, Chính phủ cho rằng việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực. Qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam. Chính phủ khẳng định, chính sách mở cửa trong tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là "đòn bẩy" lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khẳng định, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với các quy định trên bởi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung nâng thời hạn cấp tạm trú và cho biết quy định liên quan có nhiều cải cách và ưu đãi. Tuy nhiên so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực nhiều. Do đó cần tăng cường thị thực điện tử, gia hạn tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú và đề nghị cần có lập luận thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, hồ sơ dự án luật được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết và có chất lượng; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023, đồng thời cho ý kiến thảo luận và thông qua tại một kỳ họp, góp phần tích cực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến du lịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang