Nỗ lực của Công an TPHCM:

Người dân đã tiếp cận các tiện ích của CCCD gắn chíp điện tử

Thứ Ba, 05/07/2022 18:39

|

(CATP) Đến nay, TPHCM đã triển khai và thực hiện Đề án 06 một cách mạnh mẽ, rộng khắp toàn thành phố. Bước đầu cho thấy rất nhiều tiện ích mà căn cước công dân (CCCD) gắn chíp mang lại: đạt hiệu quả cao, đảm bảo tuyệt đối an toàn bảo mật thông tin… 

Nỗ lực thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua, với biết bao gian lao, vất vả của toàn lực lượng Công an TPHCM (CATP) cũng như các cơ quan chức năng cùng đồng hành, đặc biệt luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, nhưng trên thực tế vẫn còn trường hợp chưa nắm và hiểu về Đề án 06 dẫn đến nghi ngại, hay một vài trường hợp cá biệt gây khó khăn trong công tác, chính vì thế Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP - đã yêu cầu thủ trưởng công an (CA) các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ công tác, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm 2022, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm về Đề án 06.

Bất kể ngày đêm, cả thứ bảy, chủ nhật đều phục vụ bà con

Đến CAQ.Gò Vấp, TPHCM, phóng viên Chuyên đề Báo Công an TPHCM được biết, CA quận đã tiến hành tiếp nhận làm CCCD bất kể ngày đêm hay thứ bảy, chủ nhật, từ 7 giờ 30 đến 22 giờ hàng ngày. Mọi công dân có hộ khẩu thường trú và tạm trú đến điểm cố định là CAQ.Gò Vấp (số 584 Quang Trung, P11Q.Gò Vấp) lấy số thứ tự qua đăng ký dịch vụ công trực tuyến (dichvucong.dancuquocgia.gov.vn). Cùng với đó là 5 điểm cấp CCCD lưu động đặt tại trụ sở CA các phường gồm: Công an P3 (1/30 Nguyễn Thái Sơn, P3Q.Gò Vấp) phục vụ công dân các phường 1, 3, 4; Công an P17 (37 Nguyễn Văn Lượng, P17Q. Gò Vấp) phục vụ công dân các phường 5, 6, 7, 17; Công an P8 (177 Nguyễn Văn Khối, P14Q.Gò Vấp) phục vụ công dân các phường 8, 9, 11; Công an P14 (397 Phan Huy Ích, P14Q.Gò Vấp) phục vụ công dân các phường 12, 13, 14; Công an phường 16 (328 Thống Nhất, P16Q.Gò Vấp) phục vụ công dân các phường 10, 15, 16.

Công an TPHCM đã thành lập tổ công tác, tổ giúp việc triển khai Đề án 06 trong CATP và xác định lộ trình, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan thực hiện, triển khai, đồng thời ban hành quyết định thành lập 22 Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TPHCM. Tăng cường cán bộ chiến sĩ (CBCS) tham gia giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cư trú trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Công an TPHCM cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Danh mục 126 DVCTT mức độ 3, 4 ở lĩnh vực an ninh trật tự trong năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ CA, cấp đổi CCCD gắn chip.

Công an làm căn cước công dân mọi lúc, mọi nơi...

Nhiều chuyển biến tích cực

Với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án 06 TPHCM, Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc CATP - mới đây đã có báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả triển khai thực hiện đề án này trên địa bàn TPHCM. Theo đó, CATP đã làm tốt vai trò tham mưu BCĐ triển khai những nội dung về triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư trên địa bàn thành phố. Đến nay, các sở, ngành, địa phương từ cấp huyện đến xã đã hoàn thành việc ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện Đề án 06, đã triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; đồng thời, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVCTT.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, TPHCM đã được UBND TPHCM triển khai xây dựng Hệ thống thông tin, chỉ đạo điều hành, thực hiện khai thác, chia sẻ dữ liệu trên kho dữ liệu dùng chung của thành phố và vận hành chính thức Cổng dịch vụ công thành phố. Do đó, việc triển khai Đề án 06 nhận được nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận hạ tầng trung tâm dữ liệu, phần mềm, quản lý hệ thống máy chủ của thành phố để đáp ứng việc xây dựng dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành, phục vụ công cuộc chuyển đổi số cùng các nhiệm vụ của Đề án 06. Từ hiệu quả công tác tuyên truyền, đến nay phần lớn người dân TPHCM đã được tiếp cận các tiện ích của CCCD gắn chíp, tỷ lệ người dân tham gia các dịch vụ qua cổng DVCTT đã có nhiều chuyển biến tích cực...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, TPHCM vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện Đề án 06, như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, tiến độ triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 theo Đề án 06 thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thành phố phụ thuộc phần lớn vào tiến độ triển khai của các bộ, ngành chủ quản, tuy nhiên một số đơn vị sở, ngành chưa nhận được văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành trực tiếp phụ trách nên chưa triển khai sâu rộng đến các đơn vị trực thuộc cấp huyện... Từ thực trạng triển khai công tác thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TPHCM, thường trực BCĐ thực hiện Đề án 06 TPHCM đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ CA và BCĐ thực hiện Đề án 06 của thành phố để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện.

Vì nhân dân phục vụ, Công an TPHCM nỗ lực, quyết tâm thực hiện Đề án 06

Xu hướng tất yếu

Số hóa hoạt động ngân hàng (NH) là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Thống kê sơ bộ từ NH Nhà nước Việt Nam cho thấy, có đến 95% NH đã và đang dự tính xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Dự kiến trong vòng 3 - 5 năm tới, các NH số sẽ tăng trưởng tối thiểu 10%, nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng có thể thu hút hơn 60% khách hàng (KH) sử dụng kênh giao dịch số. Có thể thấy mức độ chuyển đổi số của ngành NH Việt Nam đang có bước chuyển rất mạnh mẽ. Hai năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của nhiều NH bị đình trệ, trong bối cảnh đó, nhiều NH phải thay đổi để thích nghi, chủ động số hóa quy trình, áp dụng công nghệ để cho ra mắt nhiều ứng dụng, đặc biệt là triển khai công nghệ eKYC - định danh KH điện tử, một giải pháp hỗ trợ toàn diện cho KH.

Hiện Bản Việt là NH đầu tiên tại TPHCM triển khai hệ thống NH tự động Digimi+ mang lại trải nghiệm thú vị hơn cho khách hàng (KH). Đó là eKYC- "chìa khóa vàng" của NH số. Với công nghệ này, KH sẽ không cần đến trực tiếp NH để đối chiếu giấy tờ tùy thân như trước nữa. Hiện có nhiều NH tại Việt Nam đã triển khai eKYC trong việc hỗ trợ KH mở tài khoản từ xa, hoặc sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng NH số. Không chỉ thông dụng trên ứng dụng NH số, eKYC gần đây còn được nhiều NH áp dụng để hỗ trợ KH thực hiện các giao dịch thông qua CCCD gắn chip.

Theo NH Nhà nước Việt Nam, trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đó là chuyển đổi số hoạt động NH. Hoạt động chuyển đổi số ngành này tiếp tục được quan tâm, triển khai. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48,39%, 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65%, 86,68%; qua QR code tăng 56,52%, 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Vấn đề bảo mật, an toàn trong quá trình giao dịch, thanh toán luôn được KH quan tâm, nên với hệ thống NH tự động Digimi+, rủi ro sẽ được giảm bớt tối đa, bởi hiện nay hệ thống này đang áp dụng công nghệ bảo mật 3 tầng; tầng thứ nhất là OCD chụp CCCD của KH để đối chiếu; tầng thứ 2 đối chiếu khuôn mặt với ảnh trên CCCD để xác thực kết nối với tài khoản mở tại NH Bản Việt; tầng cuối cùng là xác thực giao dịch tin nhắn SMS hoặc Smart OTP trên ứng dụng NH số. Một lãnh đạo NH này cho biết: "Chúng tôi đã thử nghiệm trong trường hợp mất điện đột ngột, máy vẫn nhả CCCD cho chủ sở hữu. Trường hợp CCCD bị nuốt do máy hỏng, KH có thể vào quầy giao dịch để xác nhận chữ ký và so sánh xác thực khuôn mặt để nhận lại CCCD".

Sẽ có thêm nhiều ngân hàng tự động Digimi+

Đại diện NH Bản Việt cho biết thêm, thời gian tới NH này sẽ thay thế hệ thống toàn bộ ATM của NH bằng hệ thống NH số Digimi+, đồng thời triển khai thêm nhiều tính năng, dịch vụ tiện ích cho KH. Không chỉ đơn thuần là cây ATM hỗ trợ nộp/rút tiền bằng CCCD, Digimi+ sẽ cùng với NH số Digimi tạo nên hệ sinh thái NH tự động giúp KH giao dịch thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Digimi+ bắt đầu triển khai điểm tại TPHCM và sau đó sẽ mở rộng tại các tỉnh thành trên cả nước. Cụ thể, điểm triển khai đầu tiên là tại Hội sở của NH Bản Việt. Ngân hàng này đã và đang tiếp tục triển khai 8 điểm còn lại ở nhiều tỉnh thành khác nhau; trong đó, TPHCM có 3 điểm, Hà Nội 3 điểm; còn lại ở Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ. Với sự chuyển mình trong hoạt động số hóa NH, Bản Việt đang nỗ lực mang lại cho KH nhiều giá trị hơn, nâng cao trải nghiệm, tăng cường chất lượng vận hành, năng lực phục vụ, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, tăng cường an toàn bảo mật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang