(CAO) Sáng 5-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố 5 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh, Luật Thi đua - Khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Giới thiệu về Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, với 5 Chương, 33 Điều, Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Quang cảnh buổi họp báo
Luật dành 13 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự…
Luật cũng cho phép CSCĐ vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin; quy định biện pháp công tác của CSCĐ; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; hệ thống tổ chức của CSCĐ; nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ…
Để bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSCĐ, Luật quy định rõ về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm; trang bị, trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của CSCĐ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; tuyển chọn công dân vào CSCĐ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ CSCĐ…
Để triển khai thi hành Luật CSCĐ năm 2022, theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Chính phủ cần ban hành 1 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật CSCĐ.
Bộ Công an trong phạm vi chức năng của mình ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ CSCĐ cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho Nhân dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Luật CSCĐ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng thông tin tại buổi họp báo
Trả lời tại buổi họp báo về việc trang bị tàu thuyền, máy bay cho lực lượng CSCĐ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, việc trang bị tàu bay cho CSCĐ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giải quyết các tình huống khẩn cấp liên quan tới chức năng của lực lượng Công an nói chung và lực lượng CSCĐ như các tình huống khẩn cấp trong cứu nạn, cứu hộ, thiên tai địch hoạ, tai nạn đổ sụp công trình...
Ngoài ra, theo quy định của luật, CSCĐ được sử dụng tàu bay để tuần tra, trinh sát, cơ động chuyển quân chiến đấu, vận chuyển trang thiết bị vũ khí, nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ công tác của CSCĐ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, ngay trước khi Luật CSCĐ ra đời, quy định về việc trang bị tàu bay cho CSCĐ đã được quy định tại pháp lệnh CSCĐ và Nghị định 77 của Chính phủ quy định chi tiết về thực hiện chi tiết. Theo đó, CSCĐ được trang bị phương tiện cơ giới, đường không gồm tàu bay trực thăng chuyên dụng, tàu bay không người lái, tàu lượn, khinh khí cầu… Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã tiếp tục phát triển quy định này.
“Hiện nay Bộ Công an đã có quyết định thành lập Trung đoàn không quân CAND để bước đầu tính toán về việc xây dựng lực lượng này là lực lượng hàng không chuyên dụng cho CSCĐ” - Thứ trưởng Hùng thông tin.
Về trường hợp CSCĐ được dừng xe của người dân, người đi đường, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, theo quy định của nhiều văn bản luật, các lực lượng CAND khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì được dừng xe để xử lý.