Đề xuất cho TPHCM thí điểm 4 cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư

Thứ Sáu, 21/04/2023 17:35  | Hải Triều

|

(CATP) Chính phủ vừa gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong nhóm cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, Chính phủ đề xuất thí điểm 4 cơ chế, chính sách đặc thù.

Tại dự thảo Nghị quyết trình lần này, Chính phủ đề xuất Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương. Chính sách này, theo Chính phủ, sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn tăng thu ngân sách TP.

Ngoài mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 142.557 tỷ đồng, TP dự kiến có thể huy động từ các nguồn tăng thu khoảng 119.000 tỷ đồng để bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp thiết ngoài các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án khởi công mới này cần phải thực hiện trình tự, thủ tục báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn trước khi triển khai thực hiện phân bổ vốn.

Cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất cho phép HĐNDTP quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBNDTP được bố trí vốn đầu tư công để ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TPHCM thực hiện cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm.

Với chính sách này, TP tiếp tục triển khai kịp thời nguồn vốn đến các nhóm đối tượng trên để ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người lao động, qua đó giảm nghèo bền vừng, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thế nhưng, theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công, TP không thể bố trí nguồn vốn đầu tư công để tiếp tục thực hiện chính sách này do chưa thuộc đối tượng đầu tư công.

Các công trình hạ tầng giúp TPHCM phát triển từng ngày

Cũng liên quan đến quản lý đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Theo đó, TP sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Vẫn trong dự thảo Nghị quyết được trình, Chính phủ muốn mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực trên không thấp hơn 100 tỷ đồng, trừ loại hợp đồng O&M.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn quy định TP được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, TP được tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Chính phủ nhận định, với quy định trên, TP sẽ có cơ sở thực hiện thí điểm huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hệ thống đường bộ hiện hữu, tập trung đối với các tuyến trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP với quy mô đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch đã được phê duyệt, đầu tư đường trên cao.

Cùng với đó, dự thảo quy định TP được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT; quyết định sử dụng vốn ngân sách TP và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.

Đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức hợp đồng BT, Chính phủ nhìn nhận, sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi ngân sách TP còn chưa đáp ứng, góp phần tổ chức phát triển không gian đô thị hợp lý, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị quyết quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai, sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt.

Dự thảo giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án BT.

Bình luận (0)

Lên đầu trang