Cùng với thành tựu nông nghiệp còn hơn cả cuộc cách mạng xanh ở Ấn Độ thập niên 60 là những thành tựu tuyệt vời khác từ đối ngoại như: Rút quân khỏi Campuchia 1988 mà không phải lo Pol Pot tái xâm lược biên giới Tây Nam. Hàng chục vạn quân thường trực và đồn lũy, trận địa, phương tiện chiến tranh đối đầu địch ở biên giới phía Bắc cũng được biến thành lực lượng tham gia làm kinh tế khi Việt - Trung bình thường hóa quan hệ.
Đặc biệt là 9 năm sau đổi mới, Việt Nam - Hoa Kỳ từ cựu thù trong cuộc chiến 1954 - 1975 và chiến tranh lạnh kéo dài thêm 20 năm sau đó, đã nối lại được quan hệ cùng lúc với Việt Nam gia nhập khối ASEAN và ký nghị định khung với liên minh Châu Âu (EU) vào năm 1995. Đây có thể gọi là "cách mạng" trong tư duy đối ngoại. Chúng ta chuyển sang nguyên tắc, Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước, đi đôi với đại đoàn kết hòa hợp, hòa giải dân tộc (sau này được cụ thể hóa qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ngày 26-3-2004).
Ngày 11-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Tiếp đó các tổng thống Mỹ lần lượt đến thăm Việt Nam, như: Bill Clinton (2000), G.W.Bush (2006), Obama (2016). Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam hai lần để dự APEC tháng 11-2017 và hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 02-2019. Nữ Phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ cũng đã thăm và hỗ trợ Việt Nam chống đại dịch Covid-19 vào tháng 8-2021.
Các lãnh đạo của Việt Nam như: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm chính thức Hoa Kỳ vào các năm 2005, 2007, 2008 và cuối tháng 5 đầu tháng 6-2017. Ngày 02-11-2022, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện (ảnh sưu tầm)
Trước đó, vào tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang dự Hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN và đã gặp tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Đặc biệt từ ngày 06 đến 10-7-2015, lần đầu tiên tại Washington DC, tổng thống Mỹ Barack Obama đã đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của chính phủ Mỹ và kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, 2 năm thiết lập đối tác toàn diện giữa hai quốc gia. Đây là sự kiện không chỉ giới báo chí, học giả mà ngay trong tuyên bố chung của hai nước gọi là "lịch sử". Tại sao? Khi Liên Xô đánh bại phát xít Đức đã tác động hình thành nước CHND Trung Hoa và khối XHCN Đông Âu; Mỹ và các đồng minh rất lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ra khắp thế giới; sẵn sàng chi tiền của, xương máu để ngăn chặn, tiêu diệt "bóng ma cộng sản". Cuộc chiến tranh Việt Nam là minh chứng tàn khốc cho quan điểm này!
Sau khi Đông Âu, Liên Xô sụp đổ (từ 1989 - 1991), Mỹ và đồng minh muốn "chuyển hóa" luôn những nước XHCN còn lại như: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba... Đối với Việt Nam, một số thế lực ngấm ngầm hoặc công khai tài trợ cho các tổ chức người Việt lưu vong chống phá, lật đổ quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản. Một số chính khách Mỹ cũng muốn tranh thủ lá phiếu của khoảng 1,7 triệu cử tri người Mỹ gốc Việt nên có những phát ngôn vu cáo về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Vậy mà chính phủ Mỹ đã mời, đón tiếp trân trọng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó cho thấy sự thay đổi rất lớn trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước năm 1986, người giàu tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ đến. Nói ngắn gọn thì bước chân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên thảm đón tiếp vào phòng bầu dục Nhà Trắng (nơi tổng thống Mỹ tiếp quốc khách) cũng là bước tăng tốc của đất nước vào tiến trình hội nhập, phát triển với thế giới, nhất là thế giới tư bản.
Tối 29-3-2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển...
Đã có rất nhiều báo cáo tổng kết ở cấp quốc gia, ngành, địa phương về sự phát triển kỳ diệu sau 37 năm đổi mới nên trong loạt bài này, chúng tôi xin không trích dẫn lại. Nhưng cái lớn hơn con số 50, 70 thậm chí 100 lần phát triển của công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, y tế - giáo dục... vẫn chưa phải là "nhất". Điều làm cho cả dân tộc vui mừng không chỉ là chuyển từ "ăn no mặc ấm" (mơ ước của thời bao cấp) thành "ăn ngon mặc đẹp" hay với một bộ phận giàu có là "ăn sang mặc chảnh"... mà là "tự do trong khuôn khổ pháp luật". Tư duy lãnh đạo của Đảng đã thay đổi sâu sắc, có thể gọi là thay đổi về "chất" theo bước phát triển tất yếu của thời đại để xã hội ngày càng tự do, dân chủ, đem lại không khí hào hứng làm ăn, đóng góp để dân giàu, nước mạnh.
"Núi" gạo lên tàu chuẩn bị xuất khẩu (ảnh sưu tầm)
Sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta sợ hãi và oán hận mô hình kinh tế tư nhân, coi đó như nguồn gốc của bóc lột, là biểu hiện xấu xa của chủ nghĩa tư bản "giãy chết" nên tổng lực đánh phá kinh tế tư nhân. Đầu tiên là cải tạo tư sản, quốc hữu hóa xí nghiệp tư nhân, hợp tác hóa nông nghiệp và các ngành nghề... Tiếp đó là ngăn sông cấm chợ, gọi những người tham gia quy trình phân phối và nâng cao giá trị, giá cả hàng hóa là "con buôn, gian thương"... Hậu quả của những chính sách này là nền kinh tế bị kéo lùi ước 20 năm. Sài Gòn - "Hòn ngọc Viễn Đông" - đầu tàu kinh tế của cả nước bị vây hãm trong cơ chế phi lý nên lần lượt bị các trung tâm kinh tế "đàn em" ở Châu Á trước đây như: Seoul, Bangkok, Singapore... vượt lên. Đói nghèo vây phủ từ thành thị đến nông thôn đến mức khi bước vào đổi mới cuối năm 1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá hiện trạng kinh tế đất nước là "sắp chết" và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân "hãy tự cứu mình trước khi trời cứu"!
Quá trình đổi mới bản chất là quay lại quy luật tự nhiên của nó. Chúng ta không còn mơ mộng hão huyền vào "thiên đường" với tài nguyên, tư liệu sản xuất là của chung, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Chúng ta cũng không còn dựa vào một nước XHCN "đàn anh" nào. Chúng ta thành công nhờ ý chí tự chủ, tự cường và đại đoàn kết dân tộc. Các nghị quyết khoán 100 của Ban Bí thư (ngày 13-01-1981) và sau này là khoán 10 của Bộ Chính trị (4-1988) trong nông nghiệp đã cho nông dân được tự do làm ăn.
Nhờ đó, từ một đất nước thiếu đói phải nhập khẩu lương thực, chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với trên dưới 7 triệu tấn mỗi năm. Chúng ta cũng có những loại gạo chất lượng nhất, nhì thế giới như ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua. Nông nghiệp "có của ăn của để” cũng tạo điều kiện cho nông thôn phát triển, 70% dân số là nông dân cũng từng bước cải thiện được cuộc sống của mình; con cháu họ có điều kiện học hành để trở thành người hữu dụng cho gia đình, xã hội và góp phần nâng cao dân trí cả nước.
Từ sau Đại hội XII của Đảng (01-2016) đến nay, đã có nhiều chính sách mới để khẳng định vai trò rất quan trọng của kinh tế tư nhân đối với mục tiêu dân giàu nước mạnh. Đây không phải là quan điểm riêng của Chính phủ mà là bước phát triển liên tục nghị quyết các kỳ đại hội Đảng về kinh tế nhiều thành phần và kinh tế tư nhân từ Đại hội VI (1986) đến nay. Ngày 03-6-2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó đề ra mục tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) đóng góp 50% GDP, 2025 là hơn 1,5 triệu và 2030 có ít nhất 2 triệu DN đóng góp từ 55% - 65% GDP... Đi đôi với mục tiêu này là hàng loạt giải pháp để toàn Đảng, toàn dân cùng thống nhất ý chí, quyết tâm thực hiện bằng được.
Khi viết đến những dòng này, thật xúc động khi nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi chỉ có ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...".
Nghị quyết 10 này cùng với các tiền đề chấp nhận và phát triển kinh tế tư nhân từ các nghị quyết của Đảng sau đổi mới (1986) đến nay, cùng với những chính sách công nhận tư hữu về tài sản và quyền sử dụng đất đai là thực hiện câu nói đó, ước vọng đó của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng chính là ước nguyện của Nhân dân Việt Nam trong, ngoài nước; đồng thời là lời giải thích chính xác về những thay đổi kỳ diệu sau 37 năm đất nước đổi mới...
(Còn tiếp...)
(CATP) Đại hội VI - Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) diễn ra trung tuần tháng 12-1986 khi chúng tôi đang là sinh viên năm ba Khoa Triết - Kinh tế chính trị Đại học (ĐH) Tổng Hợp TPHCM. Ngày đó, với vốn liếng lý luận bập bẹ và rất "giáo điều", với cảm nhận theo đặc thù ngành học, chúng tôi rất chăm chú theo dõi diễn biến và tinh thần của đại hội qua báo đài ở trường, ký túc xá rồi bàn tán xôn xao. Chúng tôi mơ ước và tin tưởng cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam sẽ kết thúc, đất nước sẽ chuyển mình, đời sống sẽ khá hơn. Nhưng việc thay đổi lớn lao, sâu rộng, tốt đẹp như bây giờ thì 37 năm trước quả thật không ai có thể tưởng tượng nổi! Nhìn lại công cuộc đổi mới vĩ đại này thật bồi hồi, xúc động!