Tiếp nhận phản ánh để xử lý kịp thời
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 06 TPHCM đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của CD. Theo đó, cơ quan này vừa ban hành công văn gửi các sở, ngành TPHCM, UBND quận huyện, TP.Thủ Đức, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các cơ quan báo chí tại TPHCM, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc CATP về việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của CD. Theo BCĐ Đề án 06 TPHCM, thời gian qua CATP - Cơ quan thường trực BCĐ thực hiện Đề án 06 TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để rà soát, so sánh đối chiếu dữ liệu (DL) CD, qua đó kịp thời cập nhật, điều chỉnh thông tin CD trong CSDLQG về DC đối với những trường hợp có sai lệch về thông tin, bảo đảm DL thông tin của CD "đúng, đủ, sạch, sống".
Mặc dù vậy, đến nay vẫn còn một số trường hợp DL công dân trong CSDLQG về DC có sai lệch, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án cũng như quyền lợi CD khi tham gia các giao dịch hành chính. Công an TPHCM - Cơ quan thường trực BCĐ thực hiện Đề án 06 TPHCM đã thiết lập, triển khai đường dây nóng trên để kịp thời tiếp nhận, hướng dẫn xử lý kiến nghị, phản ánh của CD liên quan đến việc điều chỉnh, cập nhật thông tin CD trong CSDLQG về DC, công tác đăng ký quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD và việc tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý của công an (CA) địa phương đối với công tác trên.
Công an TPHCM tiến hành cấp căn cước công dân cho người dân
Cơ quan thường trực BCĐ Đề án 06 TPHCM đề nghị các đơn vị phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thông báo rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, đoàn thể, người lao động và nhân dân trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nếu phát hiện CD có thông tin sai lệch so với CSDLQG về DC thì hướng dẫn CD liên hệ CA địa phương để được hướng dẫn thủ tục, điều chỉnh, bổ sung thông tin.
Đối với trường hợp CD đã liên hệ CA địa phương thực hiện TTHC liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD và cập nhật, điều chỉnh thông tin trong CSDLQG về DC theo hướng dẫn, nhưng quá thời hạn quy định vẫn chưa được giải quyết hoặc có khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ thì hướng dẫn CD phản ánh, kiến nghị qua số ĐT đường dây nóng 0693.187.111 để kịp thời xử lý.
Người dân yên tâm khi tất cả thông tin dữ liệu cá nhân đều được bảo vệ an toàn
Yên tâm về dữ liệu cá nhân
Liên quan đến dữ liệu cá nhân (DLCN), không những "đúng, đủ, sạch, sống", mà mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) bảo vệ DLCN, trong đó quy định chặt chẽ về bảo vệ DL và trách nhiệm bảo vệ DLCN của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2023. Theo NĐ, DLCN là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với 1 con người cụ thể hoặc giúp xác định 1 con người cụ thể, bao gồm DLCN cơ bản và DLCN nhạy cảm. Dữ liệu cá nhân cơ bản gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; số ĐT, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, biển số xe, mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế...
Với DLCN nhạy cảm, đây là những DL gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đó, ví dụ như quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, nguồn gốc chủng tộc, đặc điểm di truyền, đời sống tình dục, DL vị trí, thông tin khách hàng (KH) của tổ chức tín dụng... Dữ liệu cá nhân sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. Chủ thể DL được biết về hoạt động liên quan tới xử lý DLCN của mình. Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý DL. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ DLCN tùy mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Khi thực hiện thủ tục hành chính công, nếu phát hiện sai lệch thông tin cá nhân có thể chỉnh sửa ngay
Chính phủ cũng đã ban hành một số hành vi bị nghiêm cấm trong NĐ bảo vệ DLCN, bao gồm việc xử lý DLCN trái quy định pháp luật, xử lý DLCN để tạo ra thông tin, DL nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, hành vi xử lý DLCN để tạo ra thông tin, DL gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng bị nghiêm cấm. Với DLCN của trẻ em, việc xử lý các DL này phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ từ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ một số trường hợp đặc biệt. Đối với hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng DLCN của KH được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình khi có sự đồng ý của chủ thể DL. Việc xử lý DLCN của KH để kinh doanh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm phải được sự đồng ý của KH, trên cơ sở biết rõ nội dung, phương thức, tần suất giới thiệu sản phẩm.
Nghị định cũng quy định rõ, tổ chức, cá nhân liên quan tới xử lý DL phải áp dụng các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn tình trạng thu thập DL trái phép từ hệ thống, dịch vụ của mình. Việc thiết lập các phần mềm, biện pháp kỹ thuật hoặc tổ chức thu thập, chuyển giao, mua, bán DLCN khi không có sự đồng ý của chủ thể DL là vi phạm pháp luật. Nghị định cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể DL, cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể, cá nhân trong việc bảo vệ DLCN. Ngoài ra, NĐ này còn áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và những cơ quan, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý DLCN tại Việt Nam.
Theo NĐ của Chính phủ, việc xử lý DLCN phải thông báo và nhận được sự đồng ý của chủ thể DL. Chủ thể DL cũng được yêu cầu bên kiểm soát DL cung cấp cho bản thân hoặc chỉnh sửa, xóa DLCN của mình. Trong trường hợp khẩn cấp, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể DL hoặc người khác và các trường hợp khẩn cấp về an ninh, quốc phòng, dịch bệnh, thảm họa..., bên kiểm soát DL và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử lý DLCN mà không cần sự đồng ý của chủ thể DL. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng được ghi âm, ghi hình và xử lý DLCN thu được từ hoạt động này tại nơi công cộng với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể DL.